Bài cuối: Đừng đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc

Thứ Sáu, 15/07/2016, 09:23
Ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, người dân mắc bệnh nhiều hơn nơi khác, nhất là bệnh ung thư và bệnh về mắt. 

Đi thực tế ở Văn Môn vào một ngày trời mưa nhưng chúng tôi cũng không thể ở đó lâu hơn một buổi sáng. Hiện tượng đau đầu, tức ngực diễn ra ngay sau khi chúng tôi hít phải khói bụi ở đây.

Đến xã Văn Môn, điểm đầu tiên chúng tôi đến là thôn Quan Độ, nơi người dân làm nghề thu mua phế liệu. Rất nhiều loại phế liệu chất dọc đường làng và cả trong các ngóc ngách, sân vườn. 

Người dân Quan Độ và thôn Mẫn Xá đã có nghề thu mua và chế biến phế liệu từ nhiều chục năm nay. Các loại phế liệu từ máy bay, xe tăng thanh lý cho đến máy biến thế hỏng, dây điện… đều có cả. 

Khói bụi mù mịt ở làng Mẫn Xá, xã Văn Môn do khí thải từ nghề cô đúc.

Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, trước đây người dân địa phương có nghề truyền thống là cô đúc nhôm, đồng, nay vẫn được duy trì ở thôn Mẫn Xá. Làng nghề có từ 70 – 80 năm nay.

Luồn lách qua các ngõ xóm, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình đang tập trung lao động rút lõi đồng từ dây điện, dây cáp. Lõi đồng sau khi được rút xong sẽ mang đi tái chế. Còn phần vỏ thì chuyển đi tiêu hủy. Phế liệu sẽ mang đến khu tập kết rìa làng Quan Độ. Và lợi dụng lúc vắng vẻ, người ta sẽ đốt rác để tránh cho đống phế liệu chất lên thành núi. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều hộ gia đình mang dây điện ra khu vực ven làng để đốt lấy đồng. Việc làm này được thực hiện vào cả ban ngày và đêm, chủ yếu vào giờ vắng người qua lại, họ chờ cho ngọn lửa vừa tắt sẽ thu lại đồng.

Đến thôn Mẫn Xá, chỉ đi dọc trục đường 277 (đường tỉnh lộ nằm giữa thôn), chúng tôi đã vô cùng khó chịu với thứ mùi bốc ra từ các lò nấu nhôm. Ngày không có gió, khói bay là đà dưới mặt đất, trên nóc nhà mà không thoát lên cao được khiến cho cả thôn chìm trong màn khói mờ đục. 

Hàng nghìn loại phế liệu được đưa về làng Quan Độ, xã Văn Môn.

Chỉ ngồi trong trụ sở UBND xã, tôi cũng cảm nhận được thứ mùi khét lẹt, nhức đầu, tức ngực. Bác Mẫn Văn Bình, Công an viên đưa tôi đi thực tế phải kêu đau mắt vì khói bụi dù ông đã đeo kính. 

Xã Văn Môn có hơn 3.000 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu. Dân giàu nhưng sức khỏe thì rất kém. Ông Nguyễn Hoàng Gia cho biết, trong các đợt khám sức khỏe cho thanh niên lên đường tòng quân thì thanh niên ở Văn Môn luôn bị xếp hạng sức khỏe kém, “người ta sức khỏe loại 1 thì mình loại 2, loại 3, thậm chí là 4” – ông Giang nói. 

Biết là làm nghề ô nhiễm nhưng vì lợi nhuận lớn nên nhiều gia đình vẫn bất chấp ô nhiễm để làm nghề. Nhiều người có điều kiện thì mua nhà nơi khác, chỉ làm nghề tại đây rồi tối thì đi nơi khác ở để tránh ô nhiễm.

Về vấn đề xử lý rác thải làng nghề, từ khi đóng cửa bãi rác thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong chỉ đạo dân dồn phế thải vào phun hóa chất ủ để tránh ô nhiễm môi trường chứ không cho phép đốt rác. 

Từ năm 2004, các cơ quan chức năng và cả lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh đã tập trung triển khai dự án quy hoạch làng nghề để đưa các hộ kinh doanh sản xuất vào tập trung một khu vực. Nhưng rồi, khi thiết kế, quy hoạch xong, lấy phiếu thăm dò nhân dân thì dự án đã bị vỡ vì người dân không đồng tình. 

Bởi họ sợ khi thực hiện theo quy hoạch thì sẽ phải chi phí dịch vụ tốn kém, phải di chuyển nhà xưởng, bị mất đất… Suy nghĩ ấy đã khiến cho làng nghề phát triển thiếu bền vững và để lại hậu quả nặng nề về môi trường.

Rác thải phân loại từ phế liệu ở làng Quan Độ sẽ mang đốt ở bãi tập kết gây ô nhiễm nghiêm trọng cho xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.

Năm 2015, Dự án quy hoạch đầu tư và xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá được khởi động lại với đơn vị thực hiện là Công ty CP Tập đoàn Hanaka. Tỉnh Bắc Ninh đã chấp thuận để Hanaka khảo sát địa điểm trên diện tích 25ha. 

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp làng nghề. Theo đồ án, Cụm công nghiệp sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về môi trường, có bố trí hệ thống nước thải, phân loại chất thải rắn… Tuy nhiên, theo UBND xã cho biết, dự án đang triển khai rất chậm.

Trong khi đó, việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường tại đây chỉ có mức độ, địa phương cũng không có chế tài xử phạt. Thế nên, vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường vẫn “giậm chân tại chỗ”. Người dân trong làng nghề và các địa phương lân cận hằng ngày vẫn bị “bức tử” bởi ô nhiễm từ phế thải và tái chế phế liệu. 

Tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong và các cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp, tập trung và kiên quyết xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng ở Văn Môn. 

Ngoài 5 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, xã Văn Môn có 65 công ty, 33 doanh nghiệp, 1 xí nghiệp, 4 hợp tác xã cổ phần. 13 hộ làm nghề cô đúc và gần 300 hộ cô. 500 hộ làm nghề mộc… Cả xã có hơn 300 ôtô các loại, hơn 3.000 môtô. Ước tính thu từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 là 94,812 tỷ đồng. Kinh tế phát triển nhưng môi trường bị ô nhiễm nặng.
Việt Hà
.
.
.