Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ Năm, 04/08/2016, 09:05
Theo ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đầu tư xây dựng nông thôn mới, cương quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.


Có thể khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn, hợp lòng dân, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị. Mặc dù đích đến NTM vẫn còn nhiều thách thức cho các địa phương ĐBSCL, đặc biệt là trong điều kiện vốn đầu tư từ ngân sách cho NTM còn khiêm tốn, huy động vốn từ xã hội khó, nhưng các địa phương đều quyết tâm thay đổi diện mạo nông thôn, rút ngắn khoảng cách với thành thị.

Về vấn đề này,  ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: Thông qua chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. 

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 18,44 triệu đồng năm 2011 lên 23,87 triệu đồng năm 2015. Mặc dù còn nhiều khó khăn để về đích trong công cuộc xây dựng NTM, nhưng chúng ta cần nhìn khách quan về vấn đề này để có đánh giá và định hướng đúng.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. 

Dù đạt kết quả tốt trong xây dựng NMT, nhưng nợ đọng xây dựng NTM ở huyện Phước Long đã tạo dư luận không tốt về năng lực điều hành, quản lý của cán bộ cơ sở. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?

Ông Lê Minh Khái: Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông đã đăng tải một số nội dung về nợ đọng xây dựng NTM của huyện Phước Long. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan đối với vấn đề này. 

Huyện Phước Long là 1 trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm huyện điểm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. 

Trước năm 2010, từ một huyện thuần nông nghèo, cách xa trung tâm tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vô cùng khó khăn; hạ tầng KT-XH kém phát triển. Sau khi được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Long nói riêng vô cùng phấn khởi, nhiệt tình hưởng ứng, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được phát triển.

Sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Phước Long đã thay đổi rất lớn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, mọi tầng lớp nhân dân trong huyện rất hài lòng với thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Long đạt được sau thời gian thực hiện xây dựng NTM. 

Đến nay (tháng 6-2016) toàn huyện có 7/7 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (6 xã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM. 

Qua kết luận thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, với tổng số nợ 397,4 tỷ đồng và Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất hình thức kỷ luật đối với một số đồng chí có trách nhiệm để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM ở huyện Phước Long.

Có thể thấy rõ một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ đọng trong xây dựng NTM của huyện Phước Long là: Xuất phát điểm của huyện thấp (đạt bình quân dưới 7 tiêu chí), qui mô xã lớn, kênh rạch chằng chịt, đường vận chuyển khó khăn, nền địa chất yếu nên suất đầu tư lớn; trong khi nguồn lực hỗ trợ xây dựng NTM của Trung ương hạn chế, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các chương trình, dự án lồng ghép trên địa bàn huyện không đáp ứng được nhu cầu...

Để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của huyện Phước Long, tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Khái: Trên cơ sở nguồn vốn phân bổ hàng năm, huyện Phước Long sẽ không đầu tư công trình mới (trừ trường hợp thật cần thiết); tập trung cân đối nguồn vốn để bố trí thanh toán nợ đọng. 

Tiếp cận lại các DN, Mạnh Thường Quân đã hứa hẹn tham gia cùng địa phương xây dựng NTM để vận động, khuyến khích đóng góp, tài trợ. Một số đất công của huyện Phước Long không có nhu cầu sử dụng, sẽ tiến hành bán đấu giá để tạo nguồn vốn đầu tư, thanh toán nợ. 

Ngoài nguồn vốn phân khai hàng năm cho huyện theo quy định, UBND tỉnh sẽ cân đối, bố trí một số vốn trong k hả năng cho phép của tỉnh để hỗ trợ huyện Phước Long trả nợ. Đề xuất Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ...
Để có bộ mặt NTM khang trang như ngày hôm nay, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã phải trả giá cho sự nóng vội.

Thưa đồng chí, để không vướng tình trạng nợ đọng như huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có hướng đi cụ thể trong thời gian tới như thế nào?

Ông Lê Minh Khái: Từ kinh nghiệm, bài học 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tới đây, về chủ trương tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế phía Bắc và vùng kinh tế phía Nam QL1A; ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng bền vững làm kim chỉ nam để chỉ đạo và trong tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực hoạt động lãnh đạo điều hành của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên, nhất là Ban Chỉ đạo của 2 huyện Phước Long và Vĩnh Lợi.

Về giải pháp, sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm như: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện cuộc vận động xã hội về xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Đảng để thống nhất ý chí trong nội bộ Đảng, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, DN và nhân dân. 

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 gắn với xây dựng NTM. Thứ ba, tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đặc biệt đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của các sản phẩm chủ lực địa phương (tôm, lúa). 

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, thủy sản. Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. 

Thứ sáu, rà soát, đánh giá các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, địa phương, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực cho xây dựng NTM. Thứ bảy, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của toàn xã hội.

Hàng năm, dành một tỷ lệ ngân sách địa phương cho xây dựng NTM, trong đó có ưu tiên hợp lý nguồn vốn cho 2 huyện Phước Long và Vĩnh Lợi. Việc huy động mức đóng góp của nhân dân phải được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch và phải được sự đồng tình, nhất trí của cộng đồng. 

Ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đầu tư xây dựng NTM, cương quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Xin cảm ơn ông!

Văn Đức
.
.
.