Xâm nhập đường dây chăn dắt trẻ em bán kẹo cao su: "Cuộc chiến" đường phố

Thứ Sáu, 11/12/2015, 07:59
Mặt sưng húp với nhiều vết trầy xước, mắt tím quầng nhưng vẫn phải đi bán kẹo ngoài đường, chúng tôi bắt gặp một cậu bé thường xuyên xuất hiện tại phố Tống Duy Tân bán kẹo vào đêm muộn, đang lững thững cầm giỏ kẹo đi bộ trên vỉa hè tại đường Xã Đàn – Kim Liên.

Với bản năng “nghề nghiệp”, cậu bé tiến lại khu vực đông người đang ngồi uống nước để mời chào bán hàng. Tôi gọi cậu bé lại để mua một hộp kẹo và hỏi sao mặt sưng thế kia, bị ai đánh vậy? Cậu bé nhanh tay vén áo lên cho tôi xem vùng bụng và lưng rồi cũng nhanh chóng cho áo xuống, bụng và lưng cậu bé được dán kín bởi miếng dán giảm đau.

Sau đó, cậu bé nói: “Có thằng tranh địa bàn (Xã Đàn – PV) của cháu bán kẹo nên cháu đánh nhau với nó, nó bằng tuổi, cùng quê với cháu nhưng nó lớn hơn nên cháu không đánh lại được”. Cậu bé khoe thành tích với chúng tôi: “Cháu bán ở khu vực này đã được 3 năm, đây là khu vực của cháu và mấy đứa bạn bán (cháu bán ở đây trước nó – cậu bé nhấn mạnh), tự nhiên thằng ấy lại đến đây bán, đây là địa bàn của cháu, không phải của nó”.

Dù bị đánh mặt mũi bầm dập nhưng cậu bé cho biết là không được nghỉ ở nhà, vẫn phải đi bán hàng bình thường. Lúc nào ốm nặng không thể đi được nữa thì mới được ở nhà nghỉ. "Việc đánh nhau để tranh giành địa bàn là chuyện bình thường và thường xuyên xảy ra, 1 tuần ít nhất cũng phải 1 lần đánh nhau", cậu bé cho biết thêm. Được biết, cậu bé này bỏ học từ năm lớp 4, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa theo bố mẹ lên Hà Nội từ năm 2012, hiện đang thuê trọ tại khu phố Ngô Sĩ Liên – Đống Đa.

Một người đàn ông đang dùng dép giơ lên quát mắng 1 bé gái.

Một ngày bán ở nhiều địa điểm khác nhau, buổi trưa, chiều, tối thì bán tại khu vực Xã Đàn về đêm muộn từ 23h thì tập trung bán ở phố Tống Duy Tân đến 3, 4h sáng. Ban ngày, “bang hội” bán kẹo sẽ tách nhau ra, mỗi người 1 khu phố khác nhau, về đêm là lúc các em nhỏ tập trung hoạt động theo nhóm tại khu phố Tống Duy Tân.

Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã biết được một số khu trọ của “bang hội” bán kẹo cao su. Một số phố như Ngô Sĩ Liên, Trần Quý Cáp (quận Đống Đa), khu đường chắn 5 Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) và một số khu trọ gần khu vực cầu Long Biên. Khi các em rời khỏi khu phố thì được người đón đưa đi nhiều hướng khác nhau. Có xe máy chở 2, 3 em về 1 lúc, có xe lại chở duy nhất 1 em và đi nhiều hướng khác nhau. Mọi việc đưa đón đã được lập trình sẵn, cứ đến giờ về là các em rời khỏi khu phố Tống Duy Tân, đi bộ ra đường Phùng Hưng, nơi vắng vẻ người qua lại để chờ người đến đón.

Theo như một người dân tại khu phố Ngô Sĩ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa cho biết, tại khu phố Ngô Sĩ Liên có 2 khu trọ dành cho các cụ già, cặp vợ chồng và cháu nhỏ thuê ở. Tại ngõ 28, chủ trọ là bà Nga điên (người dân nói) có khu trọ cho người già và gia đình thuê, còn các cháu nhỏ thuê trọ ở nhà số 9 trên phố Ngô Sĩ Liên. “Ngày nào tôi cũng bán nước ở đây, lúc bọn nó đi làm thì tôi biết, chứ không biết lúc nào nó về cả. Buổi tối, tôi bán nước đến 22h là nghỉ rồi, lúc đó thì vẫn chưa thấy bọn nó về”.

Đồng chí Phạm Ngọc Hùng, Phó trưởng Công an phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tại địa bàn phường Văn Miếu có ngõ 62, phố Trần Quý Cáp tập trung đông người tỉnh ngoài thuê trọ làm nghề đánh giày, bán hàng rong, buôn ve chai... còn ở phố Ngô Sĩ Liên có trẻ em và người già thuê trọ tại đây nhưng hoạt động ở khu vực khác (trên phố Cổ, đặc biệt là phố Tống Duy Tân).

Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuấn, Cảnh sát khu vực phường Văn Miếu cho biết thêm: “Trên địa bàn phường Văn Miếu, lâu nay có phố Trần Quý Cáp, đặc biệt là ngõ 62 là nơi tập trung người tỉnh lẻ thuê trọ nhiều nhất làm nghề bán hàng rong. Phố Ngô Sĩ Liên có 2 ngõ tập trung trẻ em và người già thuê trọ là ngõ 56 và 28. 

Đồng chí Tuấn, khẳng định tại phố Ngô Sĩ Liên có người già và trẻ em thuê trọ để bán kẹo cao su. Trẻ em ở đây chủ yếu là được người nhà, gia đình đem ra ngoài Hà Nội, các em đều đã bỏ học. Giờ đi làm và về của một số người già và trẻ em bán kẹo cao su rất phức tạp.

“Để giành địa bàn bán kẹo, các em nhỏ phải trải qua nhiều “cuộc chiến” đường phố để giữ địa bàn làm ăn. “Đánh nhau là chuyện bình thường, thường xuyên xảy ra, 1 tuần ít nhất cũng 1 trận đánh nhau” – một em nhỏ bán kẹo cho biết”.
Xuân Bùi
.
.
.