30 doanh nghiệp lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” tại Cụm Công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

Thứ Ba, 06/10/2020, 18:54
Vừa mới xây dựng xong cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp gốm sứ mới chuyển vào vào hoạt động tại Cụm Công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh thuộc phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khoảng hơn 1 năm nay đã lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi bất ngờ nhận được thông báo của UBND TP Biên Hòa về việc phải đóng tiền chi phí hạn tầng từ 3,5 đến 7 tỉ đồng, thậm chí có doanh nghiệp bị kêu nộp tới gần 20 tỉ đồng...


Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ mới xây dựng cơ sở trên diện tích 7.000m2 trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh và chuyển về đây hoạt động sản xuất với mức chi phí đầu tư đã lên hơn 30 tỷ đồng. Số tiền này đã là một sự nỗ lực lớn của chủ  doanh nghiệp xoay xở trong nhiều năm qua với mục đích di dời cơ sở của mình vào Cụm công nghiệp này theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa với mục đích di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gốm sứ trong khu dân cư về nơi tập trung, đồng thời bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống của Biên Hòa.

Nhiều DN trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân hạnh đang kêu trời vì tiền chi phí hạ tầng. 

Thế nhưng mới đây ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Mỹ nhận được thông báo của UBND TP Biên Hòa với nội dụng đề nghị doanh nghiệp anh phải đóng tiền cơ sở hạ tầng lên tới khoảng 7 tỉ trên diện tích cơ sở sản xuất là 10.000m2. Theo ông Sơn, khi có chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp này, UBND tỉnh Đồng Nai đã cam kết hỗ trợ 60% tiền đầu tư hạ tầng và miễn, giảm tiền thuê đất theo quyết định số 62 của UBND tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, giờ lại yêu cầu phải đóng 100% nhưng ông không được biết lý do tại sao. Trong bối cảnh ngành gốm sứ đang gặp khó khăn chung và đang phải chịu tác động không nhỏ của việc xuất khẩu và đơn hàng từ các nước châu Mỹ và châu Âu do dịch COVID-19, doanh nghiệp không có khả năng chi trả khoản tiền nói trên. 

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH gốm Phong Sơn cũng vừa nhận được thông báo phải nộp tiền hạ tầng hơn 7 tỉ đồng sau khi vừa đầu tư hơn hàng chục tỉ đồng để xây dựng xưởng. Ông Hứa Mỹ Chiêu, Giám đốc công ty này than thở, hiện doanh nghiệp vừa mới hoạt động được 1 xưởng nhưng số tiền phải đóng thêm 7 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng thì chắc chắn xưởng 2 của công ty buộc phải ngưng không thể triển khai hoạt động vì không còn tiền để tổ chức sản xuất. Việc đầu tư hơn 10 tỉ đồng cũng là nhờ tiền vay ngân hàng sau nhiều năm thương thảo và được phía ngân hàng chấp thuận cho vay sản xuất. Còn giờ tiền đóng phí hạ tầng đến cả 7 tỉ thì thực sự doanh nghiệp “bó tay” không thể xoay xở nổi.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh có diện tích khoảng 54 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 37 ha. Đến thời điểm hiện tại, đã có 37 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 31 doanh nghiệp thuộc diện di dời. Tất cả diện tích đất cho thuê của Cụm công nghiệp đã được đăng ký lấp đầy. Hiện đã có 27 doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất, một số khác đang tiến hành xây dựng nhà xưởng. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai Nguyễn Viết Bình, để hỗ trợ di dời, bảo tồn, phát triển các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn TP Biên Hòa, ngày 1-6-2016 UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định quy định đối với Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng, 40% còn lại do các cơ sở sản xuất gốm đóng góp và được thanh toán trong vòng 5 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất gốm được giảm 50% tiền thuê đất trả một lần và miễn 11 năm đầu đối với thuê đất trả tiền hàng năm kể từ ngày đi vào sản xuất. 

Nhưng đến ngày 3-2-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định bãi bỏ quyết định trên. Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai bãi bỏ quyết định hỗ trợ và căn cứ vào văn bản chỉ đạo ngày 4-5-2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tình hình đầu tư, hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Biên Hòa, UBND TP Biên Hòa đã tính toán chi phí dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. 

Ngày 29-5 vừa qua, bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã đồng loạt ký, gửi thông báo đến các doanh nghiệp phải nộp tiền chi phí hạ tầng một lần trước ngày 30-6-2020 với mức giá 670.460 đồng/m2. Với mức tính này, mỗi doanh nghiệp phải đóng ít nhất là 3 tỉ đồng, nhiều nhất lên tới hơn 19 tỉ đồng. Do đó thông qua Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, các doanh nghiệp đã đồng loạt ký đơn “cầu cứu” UBND tỉnh Đồng Nai với nội dung chấp thuận cho các cơ sở, doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ.

Tổng thư ký Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Kiềng cho rằng,  việc bãi bỏ quyết định về chính sách ưu đãi hỗ trợ di dời các cơ sở vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh là khổng ổn; đi ngược lại với sự nỗ lực của các doanh nghiệp gốm sứ tại Đồng Nai hơn 10 năm qua. Bởi các doanh nghiệp ở đây vốn đã làm gốm từ nhiều đời, chấp hành vào đây để bảo tồn, phát triển nghề gốm, vốn là đặc trưng và niềm tự hào của của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai có lịch sử hơn 320 năm. Do đó việc kiến nghị của các doanh nghiệp đối với UBND tỉnh là có cơ sở xem xét, đúng với mục đích chủ trương ban đầu khi đầu tư Cụm Công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.


Ngọc Sơn
.
.
.