Một xe khách được cấp 2 phù hiệu: Chiêu lách luật làm khó CSGT

Thứ Hai, 09/04/2018, 17:15

Hoạt động của xe khách trá hình tại Thủ đô ngày càng tinh vi. Tài xế và chủ xe dùng nhiều chiêu trò để đối phó với cơ quan chức năng...

“Khó xử lý”- đó là nhận định của Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội Đào Vịnh Thắng tại buổi sơ kết 15 ngày thực hiện Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc Công an TP và công tác xử lý xe khách trong quý 1-2018.

Theo Đại tá Thắng, mặc dù trong quý I năm 2018, các đơn vị thuộc phòng CSGT Hà Nội đã kiểm tra xử lý hơn 2.300 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 2.278 bộ giấy tờ, song, đại diện Phòng CSGT thừa nhận còn khá nhiều khó khăn trong việc xử lý xe khách trá hình chạy tuyến cố định.

Qua nắm tình hình, CSGT Hà Nội cũng thông tin, nhiều nhà xe còn được cấp 2 phù hiệu cho 1 xe (1 phù hiệu xe chạy tuyến cố định, 1 phù hiệu xe chạy hợp đồng) để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. 

Một xe khách được cấp 2 phù hiệu!?

Gần đây nhất, CSGT Hà Nôi đã phát hiện xe biển kiểm soát 98B-019.14 cùng lúc có hai phù hiệu “xe hợp đồng” có giá trị đến 15-5-2018, và phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” có giá trị đến 7-9-2018, cả hai phù hiệu đều do Sở GTVT Bắc Giang cấp. Hay xe biển kiểm soát 22B-001.22  cũng cùng lúc được Sở GTVT Tuyên Quang cấp hai phù hiệu...

Liên quan đến việc có hay không chuyện 1 xe được cấp hai phù hiệu, trao đổi với ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, theo mục 3, điều 55, Thông tư 63 về hiệu cấp giấy phép, phù hiệu có quy định doanh nghiệp có xe tham gia tuyến cố định, nếu muốn tham gia xe hợp đồng thì phải gửi thông báo về cho Sở GTVT. 

Như vậy, tại một thời điểm nào đó, nếu xe tham gia tuyến cố định xin phù hiệu chạy hợp đồng, mà Sở GTVT địa phương quản lý không thu hồi lại phù hiệu tuyến cố định, doanh nghiệp rất dễ lách luật. Đây là bất cập thực tế của thông tư chưa sửa được. 

Ông Long cũng cho biết thêm, riêng ở Hà Nội, nếu xe chạy tuyến cố định, tại một thời điểm nào đó muốn chuyển sang chạy hợp đồng, thì Sở GTVT sẽ thu lại phù hiệu xe cố định, sau đó mới cấp cho doanh nghiệp vận tải phù hiệu xe hợp đồng, để doanh nghiệp không lợi dụng sở hở để chạy xe trá hình, gom khách trên đường.

Cảnh sát giao thông xử phạt xe vi phạm 

Trước hàng loạt khó khăn kể trên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội đã đề nghị công an các quận, huyện thị xã tổ chức điều tra cơ bản thống kê các điểm “xe dù”, “bến cóc”, đặc biệt là các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở trên địa bàn quản lý để tổ chức ký cam kết yêu cầu các văn phòng đại điện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. 

Đồng thời, đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố quản lý chặt việc cấp phù hiệu hợp đồng và giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp, không để các phương tiện, doanh nghiệp hợp thức hoá hợp đồng để “trá hình” chở khách như chạy tuyến cố định.

Đề xuất lắp camera giám sát tại VP đại diện các DN vận tải

Đại diện Phòng CSGT cũng tiếp tục đề xuất UBND các thành phố lắp đặt camera giám sát giao thông tại các khu vực văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải để phục vụ cho công tác quản lý và kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Thông qua hệ thống camera giám sát hành trình, chủ động phát hiện các trường hợp xe khách “trá hình” xe hợp đồng để chạy tuyến cố định thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách tại các văn phòng đại diện, địa điểm tập kết để xác minh, xử lý doanh nghiệp vận tải. 

Đặng Nhật
.
.
.