Xây trụ sở Bộ, ngành dưới tiêu chí quy hoạch chung Hà Nội: Mỗi Bộ, ngành xây một kiểu!

Thứ Sáu, 13/07/2012, 10:51
Di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi trung tâm Hà Nội để xây dựng trụ sở mới đồng bộ, hiện đại là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tập trung trung tâm chính trị - hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, góp phần giảm áp lực dân số, giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật nội đô, tạo thuận lợi cho việc chỉnh trang đô thị… Tuy nhiên, quá trình triển khai nổi lên không ít vấn đề khiến dư luận băn khoăn.

Công trình xây trước, quy hoạch "chạy" theo sau

Đã có nhiều Bộ, ngành đi tiên phong xây dựng trụ sở như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, cơ quan Thanh tra Chính phủ… Một số trụ sở Bộ, cơ quan ngang Bộ đã xây dựng và đưa vào sử dụng, như cơ quan Kiểm toán Nhà nước trên đường Hoàng Đạo Thúy thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Trụ sở cơ quan này cao 12 tầng mới đưa vào sử dụng cuối năm 2004, nay đã trở nên quá tải buộc phải thuê thêm cả ngàn mét vuông văn phòng ở nơi khác cho cán bộ làm việc mới đáp ứng yêu cầu; trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây hoàn tất trên khu đất rộng 18.000m2 góc đường Trần Duy Hưng - Hoàng Đạo Thúy. Một cơ ngơi hoành tráng cao 13 tầng, nhưng theo ông Đoàn Hồng Quân - Phó Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nơi đây mới đáp ứng chỗ làm việc cho nhân viên quản lý Nhà nước của 22 đơn vị Vụ, Cục, ngoài ra còn khoảng gần 60 đầu mối trực thuộc nằm rải rác ở những địa điểm khác.

Hiện, không ít đơn vị đang loay hoay hoàn tất thủ tục cho việc đầu tư cũng như tìm phương án tối ưu tạo nguồn lực đầu tư trụ sở, như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Vấn đề đặt ra là, nhiều Bộ, ngành đã xây dựng trụ sở trên khu đất mà ở đó chưa hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế cảnh quan kiến trúc theo một định hướng rõ ràng thì liệu sau khi xây dựng chúng ta có thu được một trung tâm hành chính đạt yêu cầu của Chính phủ?

Mặt khác, những trụ sở đã xây nằm liền kề hoặc xen kẽ với các khu dân cư tại Mễ Trì, khu Trung Hòa - Nhân Chính… chính là hệ quả của tình trạng công trình xây trước, quy hoạch theo sau nên rất khó thoát khỏi tình trạng xung đột về giao thông, thoát nước, cảnh quan kiến trúc và đặc biệt là thực hiện các phương án bảo vệ. Có trụ sở mới xây dựng đưa vào sử dụng chưa lâu, nay đã quá tải buộc phải làm thủ tục xin xây dựng trụ sở mới như cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Tại khu vực Tây hồ Tây, hiện đã có quy hoạch chi tiết nhưng là của một dự án đô thị đã được duyệt trước đó, còn trên thực tế cơ quan chức năng chưa xác định vị trí các khu vực dành xây dựng trụ sở cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng liền Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thủ đô phân tích: Việc xây dựng trụ sở các Bộ, ngành trước khi quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hoàn thành khó tránh khỏi tình trạng mỗi trụ sở Bộ, ngành sẽ thành một công trình biệt lập mà không có sự liên kết thành một trung tâm hành chính tập trung; về mặt kiến trúc, ở mỗi trụ sở mỗi chủ đầu tư xây dựng theo chỉ đạo riêng của mình do đó ngôn ngữ kiến trúc khác nhau, dẫn đến thiếu sự thống nhất và đồng bộ.

Về nguồn lực đầu tư, một số cơ quan đã được cấp ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở, còn không ít Bộ, ngành phải trông vào phương án "xử lý" đất trụ sở cũ theo quy định của pháp luật để lấy kinh phí xây trụ sở mới. Ông Nguyễn Quang Nam-Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương di dời và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới tại khu vực Tây hồ Tây theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT). Trong đó, có việc rà soát, lập phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước mà Bộ đang quản lý (kể cả 13.000m2 đất tại 37 Lê Đại Hành) để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền về nguyên tắc được chuyển đổi hình thức đầu tư trụ sở làm việc từ hình thức hợp đồng-xây dựng (BT) sang mua trụ sở làm việc. Được bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại trụ sở cũ (tại số 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, khoảng 8.000 m2). Từ đó, Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án xây dựng trụ sở với tổng mức đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng. Nhiều Bộ, ngành khác cũng đang rốt ráo lo thủ tục xây dựng, nguồn lực đầu tư trụ sở theo nhu cầu và khả năng của đơn vị đó.

Xây dựng trụ sở: Đâu là kế thừa, đâu là phát triển?

Không khó để nhận ra việc di dời và xây dựng trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ theo chủ trương của Chính phủ đặt ra hai vấn đề cơ bản: Một là, phải xây dựng cho đạt trung tâm hành chính mới đáp ứng các tiêu chí của Chính phủ khi đã có quy hoạch chung Thủ đô mở rộng; hai là, phải "xử lý" các khu đất trụ sở cũ do các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ để lại mà dư luận gọi là "khu đất vàng" để vừa tạo ra nguồn lực cho đầu tư, vừa tuân thủ các tiêu chí quy hoạch chung Hà Nội đã được phê duyệt. Nhìn lại lịch sử trụ sở các Bộ, ngành tại Hà Nội, chúng ta dễ chia sẻ vì khó khăn khách quan mà những trụ sở đó chưa đáp ứng yêu cầu về nhiều mặt, như: Bộ Giao thông Vận tải (80 Trần Hưng Đạo) là tiếp quản trụ sở cũ của Công ty Hỏa xa Vân Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 2 Ngọc Hà) là cơ sở Nha Nông lâm…

Thực tế, chúng ta cũng đã xây mới các trụ sở Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành), Bộ Nội vụ (37 Nguyễn Bỉnh Khiêm) vào khoảng năm 1960; xây mới toàn bộ hoặc cải tạo lớn các trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ (tại 220 Đội Cấn), Bộ Tài nguyên và Môi trường (83 Nguyễn Chí Thanh)…vào những năm 1980. Với thời gian, nhu cầu chỗ làm việc tăng lên thì việc cải tạo, xen cấy, cơi nới công trình tại các trụ sở đó là điều không tránh khỏi. Điều đáng nói, là dù đã cố gắng tối đa vào thời điểm xây dựng, nhưng chưa có một trụ sở mới xây nào được coi là thành công để làm hình mẫu, kiến nghị bảo tồn và đây chính là bài học quý cho việc xây dựng các trụ sở Bộ, ngành mới hiện nay.

Trong khi nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ đã xây trụ sở, thì tại hai địa điểm (Mễ Trì - Mỹ Đình; Tây hồ Tây) vẫn đang ở giai đoạn lập nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu, xác định mạng đường… là chậm, theo lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Việc xử lý các khu đất, tài sản trên đất thuộc trụ sở cũ của các Bộ, ngành không đơn thuần là xóa bỏ hoàn toàn, mà phải giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa nguồn lực đầu tư và những kiến trúc cần bảo tồn; giữa chỉnh trang phố cũ với yêu cầu giải quyết chỗ ở của người dân…

Trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ mới được xây dựng tại khu Mỹ Đình.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn góp ý: Nên bảo tồn những kiến trúc cũ còn giá trị; những công trình kiến trúc đẹp và khá nguyên vẹn như trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… thì việc bảo tồn có lẽ không phải bàn; tòa nhà hơn 100 năm tại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải cũng đáng xem xét, bảo tồn lắm… Đó là những nét riêng có của Hà Nội. Chuyện di dời và xây dựng trụ sở mới đặt ra không ít vấn đề: Bảo tồn kiến trúc, chỉnh trang phố cũ, đấu giá đất, quy hoạch trung tâm hành chính mới…Vì thế, để không xóa đi những kiến trúc đáng bảo tồn và xây dựng mới những công trình không đạt nhiều giá trị thì cần tổ chức thực hiện bằng một đề án, có cơ quan đủ tầm, đủ thẩm quyền chủ trì, để trung tâm hành chính mới đáp ứng các tiêu chí trong quy hoạch chung của Thủ đô.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt nêu rõ: "Rà soát và di dời trụ sở làm việc một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây hồ Tây. Ưu tiên vị trí tại khu vực Tây hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ".

Thanh Phong
.
.
.