Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng kéo dài vì chính quyền cơ sở thiếu hợp tác?

Thứ Ba, 14/07/2015, 08:37
Với tính chất đô thị lớn thứ nhì miền Bắc, những vấn đề về quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đang tồn tại những vướng mắc cho cả cơ quan quản lý lẫn chủ đầu tư các công trình tại Hải Phòng.
Theo ông Đinh Văn Giang, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố, vi phạm về TTXD chỉ có thể giảm khi chủ trương, chính sách, quy trình quản lý được phổ biến rộng rãi, cán bộ thanh tra cần trang bị đầy đủ kiến thức, nhận thức rõ chức năng quyền hạn, xử lý nghiêm minh các vi phạm và người dân, chủ thể xây dựng phải tôn trọng chấp hành các quy định pháp luật Nhà nước trước, trong và sau khi xây dựng, cải tạo các công trình.

Thời gian gần đây, trên địa bàn các quận nội thành như Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân... hàng loạt công trình xây dựng trái phép mọc lên nhưng công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn, chủ thể vi phạm không chấp hành việc ký biên bản hiện trạng, thậm chí chống đối ra mặt với lý do đã xin phép chính quyền phường, quận.

Trong khi đó, chính quyền sở tại dù không thừa nhận việc nhắm mắt làm ngơ, cũng không hợp tác cùng đơn vị Thanh tra để làm rõ hành vi sai phạm. Chỉ một thời gian sau, khi công trình đã hoàn thành, mọi thứ đã trở thành "lịch sử tồn tại".

Một ví dụ khác, theo quy định mới, từ 1/1/2015, các công trình thuộc Dự án nhà ở, phát triển nhà, tái định cư có quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng (GPXD), trừ công trình trên 7 tầng, trên 500m² sàn. Song, để có được áp dụng điều kiện miễn trừ này thì đơn vị quản lý dự án phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ quy hoạch, có sẵn hồ sơ thiết kế từng chi tiết công trình đơn lẻ.

Nhiều công trình xây dựng trái phép mọc lên ngay giữa nội thành Hải Phòng.

Trên thực tế, rất ít dự án thực hiện đầy đủ các quy định này nhưng lại thả nổi để các chủ đầu tư mặc sức xây dựng. Thậm chí ngay cả thủ tục chuyển giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua đất dự án, chủ đầu tư vẫn không thực hiện do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đất, chưa hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế dự án.

Do đó, công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn, ngăn cấm thì người dân không có chỗ ở, nhưng thả nổi thì cả dự án rồi sẽ trở nên điểm nhức nhối vì quy hoạch hỗn loạn, mạnh ai nấy làm. Đây là hậu quả của hàng loạt công trình thiếu đồng bộ về cấp thoát nước, về phát sinh tranh chấp giữa các hộ liền kề rất khó giải quyết.

Không chỉ các dự án nhà ở, nhiều khu, cụm công nghiệp với quy mô đầu tư lớn nhưng chủ đầu tư lại phớt lờ hoặc thiếu hiểu biết về nghĩa vụ chấp hành quy định về quản lý quy hoạch. Đơn cử như Khu công nghiệp Tân Liên, thuộc huyện Vĩnh Bảo, việc miễn thủ tục GPXD chỉ áp dụng khi chủ dự án phải hoàn chỉnh đề án quy hoạch tỷ lệ 1/500 (theo điều 89 Luật Xây dựng 2014) thế nhưng chủ dự án này không có quy hoạch theo đúng tỷ lệ cho phép, không có bất cứ thủ tục nào về quy hoạch cụ thể vẫn xây dựng tràng giang, thách thức việc xử lý vi phạm của viên chức Thanh tra xây dựng.

Một số hạng mục đất đai trước đây thuộc diện an ninh quốc phòng, sau đó đã hợp thức hoá thành đất ở cấp cho các cá nhân nhưng lại không bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch. Tại những vị trí này được coi là "vùng trắng" về quản lý TTXD tạo ra sự thiếu công bằng khi những trường hợp vi phạm khác liền kề khu vực thì phải chịu xử lý phạt, buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Cần được thể chế hoá, cần được ràng buộc bởi những quy định thống nhất từ Nhà nước đến địa phương, từ thành phố đến cơ sở mới mong tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý TTXD tại thành phố Cảng. Nếu quy hoạch mà không quản lý nổi thì chỉ có phá vỡ quy hoạch, loạn về TTXD thì hậu quả rất khó lường.

Lê Minh Triết
.
.
.