Vĩnh Phúc không đánh đổi môi trường lấy dự án trăm triệu USD

Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:12
Với những lợi thế về vị trí địa lý và chính sách thu hút đầu tư đã tạo lực đẩy đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước lựa chọn. Tuy nhiên, vừa qua Vĩnh Phúc đã từ chối 2 dự án triệu đô có nguy cơ rủi ro cao về môi trường. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực từ các địa phương trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư.


Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính

Thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua đã minh chứng cho những quyết tâm của Vĩnh Phúc tạo điểm đến đầu tư hấp dẫn với những chính sách, giải pháp thiết thực, tạo được niềm tin đối với DN FDI nói chung và DN trong nước nói riêng khi quyết định đầu tư tại đây.

Đến nay, Vĩnh Phúc có gần 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với số vốn đăng ký đầu tư gần 3,9 tỷ USD. 9 tháng đầu năm, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp GCNĐKĐT cho 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 253,15 triệu USD và 295,62 tỷ đồng. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 599,3 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng 9-2018 đạt 6.644,87 tỷ đồng, chiếm 47% vốn đăng ký.

Vĩnh Phúc tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp hiện có và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.

Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, tiến độ giải ngân của các dự án ổn định. Vốn giải ngân tập trung ở DN điện tử, may mặc, vật liệu xây dựng, thép và các dự án mới cấp phép đầu năm và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2018. Ba tháng cuối năm 2018, BQL tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư và quản lý các dự án sau cấp phép, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai thực hiện dự án.

Dự kiến năm 2018 đạt và vượt kế hoạch thu hút đầu tư đề ra, thu hút thêm khoảng 5 dự án FDI mới, vốn đăng ký đạt 30-50 triệu USD và 2 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 100-200 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả này là sự nỗ lực và ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh luôn sát sao trong chỉ đạo, điều hành các cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính. Các bộ thủ tục hành chính được xây dựng trong từng lĩnh vực cơ bản rút ngắn thời gian giải quyết từ 30% - 50% theo quy định của Trung ương. 

Cụ thể, các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đăng ký mở tài khoản ngân hàng, thông báo mẫu dấu và các thủ tục trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp như thuế, bảo hiểm, hải quan… được rà soát và giảm còn dưới 60% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 3 Trung tâm hành chính công cấp huyện chính thức đi và hoạt động từ cuối năm 2017 đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Từ chối dự án trăm triệu USD nếu phải không đáp ứng tiêu chí môi trường

Trong định hướng thu hút FDI, Vĩnh Phúc chủ trương sử dụng lợi thế của mình để thu hút các dòng vốn đầu tư, nguồn lực nước ngoài vào để phát triển kinh tế xã hội. Nguyên tắc “bất di bất dịch” trong hàng chục năm qua là phát triển gắn với bền vững, gìn giữ môi trường và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong 20 năm qua, số doanh nghiệp FDI vào Vĩnh Phúc ở mức thấp nhưng vốn FDI vào Vĩnh Phúc là có chất lượng hơn, số DN làm ăn có hiệu quả/tổng số doanh nghiệp đầu tư, tỷ trọng vốn thực hiện/tổng vốn đăng ký đều rất cao.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc lựa chọn rất kỹ dòng sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Số sản phẩm của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Vĩnh Phúc không nhiều nhưng những sản phẩm này đều có thương hiệu và chiếm thị phần rất lớn như ôtô, xe máy, gạch ốp lát, sản phẩm may mặc… Đặc biệt, mới đây, Vĩnh Phúc đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông, Trung Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc đánh giá rất nghiêm ngặt tác động môi trường của dự án. Dù đó là dự án khủng, quy mô vốn lớn nhưng rủi ro môi trường chưa được soát xét kỹ thì chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá. Thậm chí, có những dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đủ điều kiện hoạt động nhưng Vĩnh Phúc vẫn tiến hành đánh giá lại. 

“Đó là lý do vì sao vừa qua một số dự án quy mô lên tới vài trăm triệu USD, là niềm mơ ước của nhiều địa phương, xin đầu tư tại Vĩnh Phúc vẫn chưa được chấp thuận. Nguyên nhân là do nhà đầu tư nước ngoài chưa chứng minh thuyết phục về việc kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy; hoặc dự án chưa phù hợp với những tiêu chí thu hút FDI mà Vĩnh Phúc đề ra”, ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng các KCN hiện có; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào các KCN, ưu tiên những dự án đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, có suất đầu tư lớn, sử dụng đất đai, lao động có hiệu quả; thực hiện nghiêm việc không giới thiệu dự án công nghiệp ngoài KCN, cụm công nghiệp ở những địa phương đã có các khu, cụm công nghiệp.

Phan Đức
.
.
.