Tốn hàng nghìn tỷ đồng, vỉa hè vẫn kém chất lượng

Thứ Bảy, 16/08/2014, 07:07
Vấn đề vỉa hè kém chất lượng trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây đã làm “tốn” khá nhiều giấy mực của báo chí, đặc biệt là vỉa hè của con đường đắt nhất hành tinh Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa vừa mới hoàn thành đã xuống cấp. Tại sao việc quản lý, sử dụng vỉa hè còn nhiều bất cập, chất lượng chưa tương xứng với đầu tư, vừa làm xong đã hư hỏng...
>> Thiết kế mẫu hè phố chung cho toàn thành phố Hà Nội

Tại 4 quận nội thành, từ năm 2011-2013, Hà Nội đã chi 1.000 tỷ đồng để đầu tư, sửa chữa lại hè phố. Nhưng, với số tiền không hề nhỏ ấy, vỉa hè Thủ đô vẫn lem nhem, vừa làm xong đã lại bị đào bới, sửa chữa chắp vá. Điển hình nhất là việc vỉa hè đường Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa “ngốn” tới 2.000 tỷ đồng nhưng mới đi vào sử dụng đã hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đã được sửa chữa nhưng rõ ràng, việc quản lý, sử dụng vỉa hè tại nhiều tuyến đường không hiệu quả. Vỉa hè bị sử dụng sai mục đích vào việc đỗ xe, bán hàng rong, gây mất ATGT và văn minh trên các tuyến phố.

Theo ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hư hỏng vỉa hè là do một số người dân thiếu ý thức trong quá trình sử dụng hè phố như gia công sắt trên vỉa hè, xây dựng công trình dân dụng, tập kết vật liệu… dẫn đến một số điểm hè phố bị bong bật. Ngoài ra, việc hoàn trả mặt hè của một số đơn vị sau khi thi công hạ ngầm chưa tốt đã làm một số điểm hè phố bị lún sụt. Ông Viện cũng cho rằng, kết cấu của các tuyến hè khi thiết kế cải tạo dành cho người đi bộ, nhưng thực trạng các phương tiện tham gia giao thông khi bị ùn tắc hay khi đường bị úng ngập đã đi lên hè. Đó là chưa kể đến tình trạng một số tuyến gạch bị vỡ do tình trạng đỗ xe ôtô trên hè, trong đó có cả xe tải, nhưng chưa được gia cố kết cấu phù hợp.

“Sự không đồng bộ và thiếu sự  phối hợp của các ngành điện, nước… cũng là nguyên nhân khiến vỉa hè liên tục bị đào xới để thi công các đường ống, đường dây. Các ngành này có tuyến không thực hiện ngay, mà sau khi đưa vào sử dụng lại xin đào hè, đường để chạy đường dây và ống nước cấp nguồn. Điều này đã gây lãng phí và phản ứng xã hội, dẫn đến chất lượng hè nhanh chóng xuống cấp”, ông Viện bức xúc.

Vỉa hè đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa vừa làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thêm vào đó là tình trạng phân cấp quản lý chồng chéo, không rõ ràng đã khiến việc quản lý, sử dụng vỉa hè tại nhiều tuyến đường không hiệu quả. Ngoài ra, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm nổi trên hè chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc quản lý, bảo trì không được thường xuyên, tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng tới hè phố. Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận, một số chủ đầu tư tuân thủ chưa đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành dẫn đến việc hè phố sau khi xây dựng xong không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Viện cũng cho biết, Sở GTVT đã kiến nghị với UBND TP để giải quyết những bất cập trong việc quản lý vỉa hè. Theo kiến nghị này, từ năm 2006 đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã được giao duy tu duy trì trên toàn bộ các tuyến hè phố do quận quản lý. Do vậy, chất lượng hè phố thuộc trách nhiệm của UBND các quận. Việc quản lý, bảo trì hè tại các quận được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc (UBND phường hoặc Ban QLDA...) dẫn đến việc quản lý không thống nhất. Tại một số quận huyện, trong hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì hệ thống hè không có công tác tuần tra (chỉ bao gồm việc sửa chữa, duy tu), dẫn đến việc phát hiện những tồn tại trên hè phố có nơi có lúc còn chưa kịp thời. Từ năm 2013, TP giao Sở GTVT quản lý, duy tu 91 tuyến hè phố, Sở GTVT giao cho Ban quản lý dự án Duy du hạ tầng giao thông thực hiện.

Như vậy, vỉa hè đang được rất nhiều cơ quan đứng ra quản lý. Nên khi có sự cố xảy ra, việc quy trách nhiệm cũng không rõ ràng, nếu không muốn nói là “cha chung không ai khóc”. Sở GTVT kiến nghị UBND TP hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, nhất quán, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, phân rõ trách nhiệm của cán bộ chức năng thuộc UBND các quận, huyện để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, kiểm tra, tuần tra, xử lý vi phạm. “Công tác duy tu phải được chú trọng thường xuyên, với việc giao trách nhiệm cho một đầu mối, ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị chuyên ngành có đủ năng lực. Trong đó, giao cho đơn vị được ký hợp đồng đặt hàng quản lý, duy tu hè chịu trách nhiệm giám sát thi công hoàn trả hè đường, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng hè phố do quận quản lý”, ông Viện kiến nghị.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, UBND TP Hà Nội đã chính thức đồng ý với kiến nghị của Sở GTVT. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thiết kế mẫu hè phố đảm bảo chất lượng, phù  hợp với công năng sử dụng, mỹ quan đô thị, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về  đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng hè phố theo hướng đồng bộ, thống  nhất

Chi Linh
.
.
.