Chuyện tại Khu Công Nghiệp và Khu đô thị mới rộng trên 2.500ha (Cần Thơ):

Thuê, mượn lại đất cũ đã giao cho chủ đầu tư để canh tác

Chủ Nhật, 06/07/2014, 15:23
Tiếng là dân của “quận” (nội ô) và nằm trong Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, có diện tích trên 2.000ha - rộng nhất so với các khu đô thị khác ở miền Tây nhưng nhiều người dân Cái Răng vẫn sống trong cảnh nửa chợ, nửa quê và vẫn rất nhớ những việc đồng áng quen thuộc trước đó của họ.

Không… chịu nổi trước thực tế đất đai sau khi bị quy hoạch, thu hồi rồi để cho cỏ mọc, quá hoang phí, nhiều người dân nghèo tại địa phương đã thuê, mượn lại hàng chục ha để trồng tỉa rau màu, cải thiện thu nhập gia đình. Tại khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú I và II (rộng trên 470ha) cạnh Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, tình hình tương tự…

Từ cách nay 15 năm, để “đánh thức” vùng đất thuần nông rộng hàng ngàn hécta ven sông Hậu (hiện thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), chính quyền tỉnh Cần Thơ (cũ) đã cho xây cầu Quang Trung (bắc ngang sông Cần Thơ), làm đường xuống Cái Cui (sau là đường Nam sông Hậu, hiện là đường Võ Nguyên Giáp), tiến hành quy hoạch Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, KCN Hưng Phú I, KCN Hưng Phú II cùng nhiều hạ tầng khác, rồi kêu gọi đầu tư vào đây.

Khi cầu Cần Thơ và đường Nam sông Hậu đưa vào sử dụng, chính quyền TP Cần Thơ rất kỳ vọng về sự thu hút của cả 2 dự án (DA) quy mô này. Thế nhưng khi nhiều nhà đầu tư, trong đó có hàng chục nhà đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản và hạ tầng KCN, cơn bão suy thoái kinh tế “ập đến”, tình hình lại không như dự tính trước đó. Hầu hết các DA đều xảy ra tình trạng “da beo” - đất nằm trong DA nhưng chủ đầu tư (CĐT) chưa đạt được thỏa thuận với người dân để thu hồi. Cạnh đó, một số DA sau khi xong việc thỏa thuận, thu hồi đất, CĐT lại không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Một báo cáo mới đây cho thấy trong số 70 DA đầu tư xây dựng trên địa bàn quận Cái Răng (trong đó có 21 DA khu dân cư và tái định cư), có 32 DA đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng (GPMB), 7 DA hoàn thành GPMB trên 50% và 18 DA hoàn thành GPMB dưới 50% trên tổng diện tích đất của DA.

Để tìm hiểu thêm thực tế vừa kể, trưa 4/7, theo đường Võ Nguyên Giáp, chúng tôi vào cổng KCN Hưng Phú II đi về hướng sông Hậu. Bước xuống cánh đồng hoa màu đang xanh tốt cạnh đó, hỏi thăm thì chúng tôi được biết đấy là phần đất thuộc KCN 2A, rộng 143ha do Công ty TNHH MT VLXD và Xây lắp thương mại BMC làm CĐT.

Người mà tôi bắt chuyện, làm quen đầu tiên là ông Nguyễn Hoàng Hưng, 58 tuổi. Ông Hưng đang tưới mấy luống cải xanh mới trồng được 20 ngày tuổi. Ông Hưng cho biết hộ ông có 3.000m2 đất. Tuy nhiên, nhiều năm rồi, do chưa được CĐT kể trên bồi thường nên gia đình ông vẫn sống lay lắt qua ngày bằng việc trồng tỉa như thế này.

“Trồng tỉa không đơn giản như hồi trước” – chỉ vào phần đất cạnh đó đã được CĐT thu hồi và hiện lau sậy đang um tùm, ông Hưng bộc bạch  thêm: “Kênh rạch bị san lấp, mấy chỗ kia là nơi trú ngụ lý tưởng chim chuột nên mình làm canh giữ cực khổ lắm. Nhưng nếu không làm cả nhà 6 miệng ăn chết đói sao? Thôi thì ráng làm, được ngày nào hay ngày đó!”.

Cạnh đất của ông Hưng là đất của anh Phạm Văn Mỹ, đã được CĐT thu hồi. Tuy nhiên, thấy sau khi bơm cát xong, CĐT chưa đả động gì nên em trai của anh Mỹ là Phạm Văn Em vào trồng đậu phộng. Dừng tay cuốc để tiếp chuyện tôi, anh Em cho biết nhà anh ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Do không có đất sản xuất nên anh đến đây mượn đất trồng được mấy vụ đậu rồi. Rồi anh khen: “Đất này trồng cây màu nào cũng tốt, cũng trúng. Vụ đậu trước, chỉ có 700m2 này thôi nhưng tui nhổ được gần 30 giạ”. Thấy tôi quan tâm đến “rừng” sậy cạnh đó, anh Em cho biết; “Đó cũng là đất của DA. Nhưng phát hoang tốn tiền lắm. Mỗi công tốn mấy trăm ngàn nhưng đâu ai dám đầu tư bởi đâu biết chủ DA lấy đất lại lúc nào mà làm”.

Ông Hưng, anh Em và nhiều nông dân mà tôi gặp đều tỏ rõ quan điểm rằng người dân đồng thuận cao với chủ trương, thực hiện quy hoạch của chính quyền và các CĐT. Tuy nhiên, chính quyền và các CĐT cần tính toán hợp lý, tránh để DA kéo dài lê thê, thu hồi ba mớ rồi bỏ hoang phí đất trong khi nhiều người không có đất để sản xuất, trong thời gian chờ được bồi hoàn lại càng lún vào khốn khó…

Ông Nguyễn Thành Phú – cán bộ địa chính phường Phú Thứ (phường có diện tích tự nhiên lớn nhất của quận Cái Răng và bị vướng quy hoạch Khu đô thị Nam Cần Thơ và KCN Hưng Phú II nhiều nhất) cho biết, phường cũng tiến hành thống kê và được biết, trên phần đất đã được CĐT thu hồi, hiện có gần 40 hộ dân (hầu hết là người dân địa phương thuộc dạng hộ nghèo) thuê, mượn lại đất của các DA để trồng hoa màu. Cụ thể, tại DA KCN 2A hiện có khoảng 17 hộ, diện tích đất mượn là 6,2ha; tại DA Nhà máy xử lý nước thải (do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Cần Thơ làm CĐT) hiện có 7 hộ, mượn phần đất diện tích 2,3ha; tại DA Khu dân cư Phú An (do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà làm CĐT) có 8 hộ, mượn 4ha; tại DA Khu dân cư 586 có 2 hộ (từ Vĩnh Long) thuê 5ha và 4 hộ mượn 2ha…

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND phường Phú Thứ cho biết trong điều kiện kinh tế đang khó khăn, các hộ dân mượn đất DA để trồng rau màu, phục vụ đời sống và cải thiện thu nhập là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, để tránh gặp những phiền phức, thậm chí thiệt hại cho mình, người dân không nên tùy tiện xem như đất vô chủ (tại một KCN thuộc tỉnh Hậu Giang đã xảy ra điều này – PV) mà nên liên hệ trực tiếp với đại diện CĐT hoặc với chính quyền địa phương. “Vừa rồi, chính quyền cũng đã làm cầu nối giữa người dân với CĐT, theo cách chính quyền tạm thời mượn đất DA giao lại cho các hộ nghèo sản xuất rau màu” - ông Phúc cho biết.

Ông Võ Thành Vạn – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc – CĐT  Khu dân cư Thiên Lộc rộng 42,5ha, cho biết với 15% diện tích đất mà công ty chưa thỏa thuận được với người dân để thu hồi, bà con vẫn sinh sống, sản xuất bình thường. “Với phần đất đã thu hồi nhưng chưa tiếp tục triển khai, thời gian qua, chúng tôi đã phải tốn tiền thuê nhân công cắt cỏ, tiền mua thuốc diệt cỏ. Bởi vậy, nếu bà con nào có nhu cầu về đất để trồng tỉa hoa màu, chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện. Việc cho bà con mượn đất dự án để trồng hoa màu trong lúc đất đang còn rảnh rỗi, không chỉ tạo được cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường cho DA, tránh lãng phí đất đai,… mà quan trọng hơn là giúp cho bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Điều này còn thể hiện trách nhiệm xã hội của NĐT…” – ông Vạn cho biết

Thái Bình
.
.
.