Thị trường BĐS “ngóng” nguồn vốn ngoài ngân hàng

Thứ Hai, 04/07/2011, 09:49
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể khai thông các nguồn vốn trong dân và dẫn các nguồn vốn này sang thị trường BĐS. Một trong những nguồn vốn lớn, lại dễ huy động nếu có kênh dẫn là nguồn tiền kinh doanh vàng miếng (ước tính lượng vàng tích trữ trong dân hiện khoảng 400 tấn). Nếu nguồn tài sản khổng lồ này được huy động thì chắc chắn thị trường BĐS sẽ có thêm một nguồn tài chính đáng kể...

Việc thắt chặt tín dụng bất động sản (BĐS) trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ nhiều năm nay, BĐS vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nay bỗng dưng nguồn vốn này bị siết chặt trong khi chưa có các kênh hấp thu tài chính khác thay thế đã khiến cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này rơi vào thế hoàn toàn bị động. Để "cứu" thị trường BĐS, cơ quan chức năng và DN BĐS cần chủ động khơi thông các nguồn vốn ngoài ngân hàng.

Không nên đánh đồng các dự án

Tại Hội thảo "Chính sách tài chính cho thị trường bất động sản (BĐS)" do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng: Sau 4 tháng ngân hàng (NH) thắt chặt tiền tệ, hầu hết các chủ đầu tư hiện nay đều gặp khó khăn vì không có vốn để hoàn thành được các dự án đang triển khai. Theo ông Cường, không chỉ doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực BĐS ở Hà Nội mà cả DN BĐS phía Nam đều rất bức xúc về việc NH đang đánh đồng tất cả các dự án BĐS vào hoạt động "phi sản xuất".

Cũng theo ông Cường,  không phải tất cả các dự án xây dựng đều là "phi sản xuất" nên cần có sự phân định rõ. Trên thực tế, cho vay các dự án sân golf, chung cư cao cấp… đúng là phi sản xuất, cần siết lại. Ông Cường cũng kiến nghị: Các NH nên quan tâm tới đầu ra thực tế của các dự án BĐS bằng cách loại bỏ bớt các dự án mang tính đầu cơ theo kiểu chiếm đất để dành, chờ tăng giá, nhằm góp phần làm cho thị trường minh bạch hơn chứ không phải siết hết cả các dự án hiệu quả, phục vụ nhu cầu thực tế cho đông đảo người dân.

Bên lề hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khẳng định: Nếu coi BĐS là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt sẽ gây ra nhiều tổn thất cho DN, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính NH.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam, BĐS và xây dựng là ngành tiêu thụ, là đầu ra của một loạt các ngành công nghiệp, sản xuất vật liệu quan trọng như xi măng, sắt thép, gạch ngói, thiết bị nội thất… Đây vốn là những ngành sử dụng nhiều lao động, được Nhà nước khuyến khích phát triển. Các lĩnh vực này sẽ bị đình trệ nếu thiếu đầu ra. Khi thị trường vật liệu bị ngưng trệ sẽ ngay lập tức tác động đến hoạt động chuyên chở của ngành Giao thông, gia tăng tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động trong một loạt ngành nghề.

Đa số DN BĐS hiện nay đều phụ thuộc vào vốn vay NH, nếu NH siết chặt toàn bộ các dự án xây dựng hiện nay sẽ là không hợp lý. Chính vì vậy, đối với các dự án như phát triển khu công nghiệp, tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, các dự án chung cư bình dân, tạo nguồn cung nhà ở cho đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình góp phần đảm bảo an sinh xã hội hay các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75-80%, các DN có tỷ lệ nợ xấu thấp… NH cũng hoàn toàn có thể cho vay.

Không nên thắt chặt tín dụng đới với các dự án nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân.

Khơi thông các nguồn vốn ngoài NH để "cứu" thị trường BĐS

Đề cập đến việc làm thế nào để "cứu" thị trường BĐS thoát khỏi tình trạng đóng băng như hiện nay, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng: Sở dĩ thị trường BĐS bị ảnh hưởng nặng nề là do lâu nay thị trường này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn NH. Do đó, khi chính sách tiền tệ bất ngờ thay đổi thì ngay lập tức, các DN hoạt động trong lĩnh vực này bị rơi vào thế bị động, khó bề xoay xở.

Để giải cứu thị trường BĐS, việc đầu tiên là cần phải xem xét, xử lý đồng bộ các chính sách tiền tệ, chúng ta tiến hành các biện pháp thắt chặt tín dụng từ phía NH cho thị trường BĐS thì phải có những biện pháp khác thay thế cho kênh cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường này. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự điều chỉnh, thay đổi từ chính sách tài chính, cơ quan chức năng và chính các DN BĐS cần phải chủ động khơi thông các nguồn vốn ngoài NH để ứng phó và từng bước cải thiện tình hình.

Cũng theo đề xuất của ông Trần Kim Chung, việc tổ chức tiết kiệm tương hỗ nước ngoài như Bauspar (Quỹ xây dựng xã hội quốc tế) vào Việt Nam tham gia tìm hiểu và xúc tiến chuyển giao mô hình quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS rất cần được thúc đẩy, nhanh chóng triển khai. Đồng thời, có thể đây là thời điểm để triển khai mạnh mẽ quỹ tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng đang tiến hành. Việc này không đơn giản chỉ là kênh giải quyết tài chính nhà ở cho đối tượng xã hội có nhà, mà còn là một kênh thu hút và cung ứng vốn đầu tư cho thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, có thể khai thông các nguồn vốn trong dân và dẫn các nguồn vốn này sang thị trường BĐS. Một trong những nguồn vốn lớn, lại dễ huy động nếu có kênh dẫn là nguồn tiền kinh doanh vàng miếng (ước tính lượng vàng tích trữ trong dân hiện khoảng 400 tấn). Nếu nguồn tài sản khổng lồ này được huy động và khơi dậy thì chắc chắn thị trường BĐS sẽ có thêm một nguồn tài chính đáng kể để thay thế. Tăng cường các công cụ kích thích nguồn đầu tư nước ngoài thông qua việc bán một phần cổ phần của các DN Việt Nam.

Trước mắt không loại trừ việc giảm giá các DN trong nước để thu hút các nhà đầu tư chiến lược mua lại một phần cổ phiếu các công ty đã cổ phần hóa; thu hút đầu tư nước ngoài và kiều hối bằng cách tăng cường hiệu lực của hệ thống dịch vụ công; đẩy nhanh các quy trình thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư cũng như quá trình giải ngân

Huyền Thanh - Phan Hoạt
.
.
.