Tháo gỡ những dự án vướng đất công cộng

Thứ Ba, 29/10/2019, 07:34
Kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) thành phố lo ngại trước xu thế sụt giảm của thị trường BĐS thành phố.

Trong 9 tháng đầu năm, TP HCM chỉ chấp thuận chủ trương được cho 1 dự án; chấp thuận đầu tư cho 12 dự án với số lượng 12.360 căn hộ và cấp phép đầu tư được cho 24 dự án.

Trong khi đó, năm 2017 có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; 44 dự án được công nhận chủ đầu tư, 83 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số hơn 54.088 căn hộ và 69 dự án được cấp phép xây dựng. 

Sang đến năm 2018, dù các dự án BĐS tiếp tục gặp khó khăn nhưng cũng đã có 86 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án và chấp thuận đầu tư dự án với số lượng hơn 38.380 căn hộ và nhà tấp tầng. Trong đó cũng đã có 59 dự án được chấp được cấp phép xây dựng. 

Sụt giảm nghiêm trọng về số lượng dự án từ đầu năm đến nay đã khiến thị trường BĐS thành phố chỉ còn 17 dự án với tổng số 12.453 căn hộ được hoàn thành đưa ra thị trường, thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 với số lượng 61 dự án với 35.370 căn hộ được hoàn thành, cung cấp cho thị trường nhà ở.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay tại thành phố cũng chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn hộ, giảm gần 58,5% về số lượng dự án và giảm 30,5% về số lượng căn hộ so với năm ngoái. Sự sụt giảm này tiếp tục khiến nguồn cung cấp căn hộ trong những năm sắp tới thêm khan hiếm.

Dự án phải ngưng thực hiện trong thời gian dài để chờ gỡ vướng.

Đại diện Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị tắc nghẽn, ngưng trệ do phải chờ thủ tục hoặc dính đến một phần đất công cộng. 

Tình trạng này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Mất cân bằng cung, cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu về nhà ở còn cao khiến cho giá nhà bị đẩy lên cao, xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng. 

Đại diện Hiệp hội BĐS cũng cho rằng, tình hình khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. 

Do đó, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới dẫn đến một số doanh nghiệp BĐS gặp khó, thậm chí có thể phá sản.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án BĐS trên địa bàn, ngày 16-10, Văn phòng UBND thành phố đã có thông báo khẩn về ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở Quy hoạch - kiến trúc trong quá trình giải quyết thủ tục cho các dự án phát triển nhà ở. 

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã chỉ đạo cụ thể từng vấn đề, từ cấp phép xây dựng dự án; về quy trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở... Đặc biệt là việc giải quyết vấn đề đất do Nhà nước quản lý hoặc đất kênh rạch nằm xen cài trong dự án. 

Để báo cáo Chính phủ tháo gỡ ách tắc cho các dự án BĐS có dính một phần diện đất kênh rạch, đất làm đường giao thông trong phạm vi dự án, UBND thành phố cũng đã giao Sở TN-MT tiến hành rà soát nguồn gốc đất tại các dự án đang bị vướng để báo cáo, đề xuất.

Đ.Thắng
.
.
.