TP Hồ Chí Minh: Hơn 100 ngàn hộ dân được gỡ vướng về nhà đất

Thứ Hai, 07/07/2014, 10:03
Trước thời điểm Nghị định 43 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 có hiệu lực vào 1/7 vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại đến gần 130.000 trường hợp nhà đất không thể cấp giấy chứng nhận.

Các trường hợp tồn tại này thuộc nhiều dạng như: nhà, đất có trước quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp giấy không phù hợp quy hoạch; nhà, đất mua bán giấy tay sau ngày 1/7/2004; nhà, đất lấn chiếm hành lang sông rạch…

Trong đó, riêng nhà, đất mua bán giấy tay sau ngày 1/7/2004 đã có đến 34.000 trường hợp. Không được cấp giấy chứng nhận dù nhà, đất đã tồn tại từ rất lâu và người dân vẫn cứ sinh sống ở đó nên các quyền lợi về nhà, đất như giao dịch, thế chấp, cầm cố, nhập hộ khẩu… bị hạn chế hoặc không thể thực hiện. Vì vậy, thông tin Nghị định 43 cho phép cấp sổ hồng với nhà mua bán giấy tay trước ngày 1/1/2008; nhà, đất có trước quy hoạch - tức nhà, đất hình thành từ sau ngày 15/10/1993 đến 1/7/2004 không phù hợp quy hoạch cũng được xem xét cấp sổ hồng khiến không ít người dân hy vọng, chờ đợi. Nhất là với hàng ngàn hộ dân đã mua suất tái định cư là căn hộ, nền đất để làm nhà ở nhiều năm chưa được cấp chứng nhận. Bởi trước đó, dù Luật Đất đai 2013 cho phép nhà đất chuyển nhượng bằng giấy tay trước ngày 1-7-2004 được cấp sổ hồng. Nhưng để ngăn chặn tình trạng người dân bán suất tái định cư ngay sau khi nhận bàn giao, TP Hồ Chí Minh đã đặt ra quy định người nhận suất tái định cư chỉ được phép chuyển nhượng sau 3 năm được cấp sổ nên những hộ dân mua suất tái định cư làm nhà ở hiện vẫn chưa được cấp sổ.

Một khu dân cư hiện hữu chưa được cấp sổ do vướng quy hoạch hạ tầng.

Sau 1 tuần Nghị định 43 có hiệu lực, hiện nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn chờ hướng dẫn để thực hiện. Vì vậy, nhằm khẩn trương triển khai, ngày 30/6 vừa qua chính quyền TP Hồ Chí Minh đã họp để giải quyết các khúc mắc này. Về tách thửa, thành phố đã thống nhất các trường hợp thửa đất thuộc khu vực phải thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương đã được duyệt và công bố thì không được phép tách thửa. Sau thời gian ba năm, nếu chính quyền không thực hiện quy hoạch theo kế hoạch sử dụng đất và chưa điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch thì người dân sẽ được phép tách một phần thửa đất nhưng không thay đổi mục đích sử dụng đất.

Về xây dựng tạm trên đất quy hoạch, TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất cho phép người dân được xây dựng tạm hoặc cấp phép xây dựng có thời hạn kèm theo điều kiện: Trong vòng 5 năm mà chính quyền thực hiện quy hoạch thì người dân chỉ được bồi thường về đất, không bồi thường công trình xây dựng trên đất. Ngược lại, sau thời điểm này chính quyền mới thực hiện quy hoạch thì người dân sẽ được bồi thường cả về đất và công trình xây dựng trên đất. Riêng về việc tách thửa, TP Hồ Chí Minh vẫn yêu cầu đất phải phù hợp với quy hoạch mới được chuyển mục đích sử dụng đất và sau đó mới xem xét tách thửa

Đ.Thắng
.
.
.