Siết tín dụng đối với BĐS: Doanh nghiệp hoang mang, lo lắng

Thứ Hai, 29/02/2016, 09:51
Người thì cho rằng hợp lý, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chưa cần thiết phải siết. Đặc biệt, khi có thông tin, không ít doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS hoang mang, lo lắng.


Xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36), trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản (BĐS) từ 150% lên 250%, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. 

Người thì cho rằng hợp lý, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chưa cần thiết phải siết. Đặc biệt, khi có thông tin, không ít doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS hoang mang, lo lắng.

Trước thông tin phía ngân hàng sẽ siết tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Hoàng Gia Invest Group cho rằng, siết tín dụng vào BĐS là một sai lầm. Theo quan điểm của ông Nguyễn Vũ Cao, khi ngành ngân hàng siết tín dụng với BĐS thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề kinh tế khác như: Sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, xây dựng… Đây đều là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo ông Cao là thị trường BĐS sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Nói đúng ra là BĐS hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Hàng loạt các dự án hiện đang triển khai bằng nguồn vốn từ các ngân hàng, nếu siết lại thì các dự án này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Không chỉ có thế ngay cả phía ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng và điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của nền kinh tế”, ông Nguyễn Vũ Cao nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Reenco Sông Hồng cũng khẳng định việc ngân hàng siết tín dụng với BĐS sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường nhưng ở một góc độ khác. Ông Điệp cho rằng, thị trường BĐS hiện nay cũng chỉ vừa mới phục hồi được một thời gian ngắn. Không phải dự án nào cũng bán được hàng tốt và nhiều doanh nghiệp hiện cũng đang còn rất khó khăn. 

“Thị trường mới chỉ vừa đi lên được khoảng 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải tìm mọi cách để thoát khỏi khó khăn do đó, nói rằng lo ngại sẽ xuất hiện bong bóng là hơi quá. Thực tế thì sức khỏe thị trường vẫn đang còn yếu và rất dễ bị tổn thương. Nếu nói siết là siết ngay thì tôi cho rằng thị trường rất khó để giữ vững. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở của người dân, nhu cầu đầu tư chính đáng của nhà đầu tư còn rất lớn. Do đó, phía ngân hàng cần phải nghiên cứu, tính toán thế nào cho hợp lý”, ông Điệp cho hay.

Lo ngại thị trường gặp khó là điều các doanh nghiệp hiện cũng đang phải tính đến. Đơn cử như GPInvets, do lo ngại thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách này mà doanh nghiệp này đang tận dụng thời điểm nửa đầu năm 2016 khi thị trường vẫn đang có chiều hướng đi lên để đẩy mạnh bán hàng. Đại diện GPInvest, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT tính toán, thị trường BĐS năm 2016 sẽ khó khăn hơn, không chỉ vì lãi suất cho vay đang tăng, mà hoạt động cho vay BĐS cũng sẽ bị siết chặt hơn. Những động thái này, theo ông Hiệp, sẽ tác động rõ nét nhất đến thị trường BĐS trong 2 quý cuối năm nay.

Trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS đang lo lắng trước việc ngân hàng sẽ siết lại tín dụng đối với BĐS, việc siết này sẽ có những tác động tiêu cực đến việc triển khai dự án và bán hàng thì cũng có không ít ý kiến từ các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này lại không hề tỏ ra lo lắng. Thậm chí, đại diện các đơn vị này còn cho rằng đây là việc đương nhiên và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. 

Nhiều doanh nghiệp BĐS đang lo lắng trước động thái siết tín dụng từ phía ngân hàng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT CENIVEST, một trong những đơn vị phân phối hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực BĐS lại cho rằng việc siết tín dụng BĐS chỉ là “nghiệp vụ” sau khi ngân hàng đã mở hết “room” cho vay BĐS. Theo ông Hưng, việc thắt tín dụng sẽ hạn chế nhóm đối tượng là nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường BĐS 2 năm qua, nhóm đối tượng chi phối lại là người tiêu dùng thực. Trong nhóm này, đa số lại mua nhà bằng vốn tự có, nên việc siết cho vay BĐS sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường.

Còn ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản là giải pháp thận trọng nhưng lại có lợi cho thị trường về mặt lâu dài. Theo ông Quyết, thời gian qua, giá BĐS đã tăng rất nhanh. Tại nhiều khu vực, giá bán đã vượt qua giá tại thời kỳ đỉnh của cơn sốt đất, khiến việc cho vay BĐS xuất hiện những rủi ro. Vì thế, việc siết tín dụng BĐS nếu có, chỉ là động thái khiến thị trường đi vào quỹ đạo ổn định hơn.

Chủ tịch liên minh các sàn giao dịch BĐS G5, Nguyễn Quốc Khánh cũng chia sẻ, năm vừa qua, thị trường BĐS đã phục hồi một cách thận trọng, thông tin thị trường cũng đang ngày càng rõ ràng hơn. Ông Khánh khẳng định, trong số các dự án liên minh sàn này bán ra tỷ lệ người vay mua nhà chỉ chiếm khoảng 10- 15%, thậm chí nhiều khách hàng mua nhà còn không vay ngân hàng một đồng. 

“Đa số khách mua nhà hiện đều mua để ở do đó họ mua bằng tiền tự có chứ ít người vay ngân hàng, nếu có phải vay họ sẽ tính toán từ các nguồn khác chứ không chỉ có mỗi ngân hàng. Người mua nhà sẽ ít phụ thuộc vào ngân hàng, do đó việc siết tín dụng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến những người đang có nhu cầu mua nhà ở thực, nếu có ảnh hưởng thì chủ yếu là đối với các chủ đầu tư”, ông Khánh chia sẻ.

Phan Hoạt
.
.
.