Sẽ không có gói tín dụng ưu đãi cho người thu nhập khá vay tới 2 tỷ đồng mua nhà

Thứ Tư, 01/10/2014, 11:03
Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 29/9.
>> Xung quanh dự kiến gói tín dụng cho người mua nhà vay tới 2 tỷ đồng

Người nghèo ở nông thôn không được tiếp cận gói 30 nghìn tỷ?

Như Báo CAND đã thông tin trước đó, lãnh đạo Vụ Tín dụng (NHNN) đã chia sẻ với báo chí về việc cơ quan này đang nghiên cứu để triển khai một gói tín dụng ưu đãi dành cho người thu nhập khá là người làm công ăn lương, lực lượng vũ trang… mua nhà với mức vay lên tới 2 tỷ đồng và được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6-7,5% trong vòng 10 năm.

Thông tin này đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, trong đó hầu hết đều cho rằng nó sẽ không khả thi, và sẽ chỉ là kế “ve sầu thoát xác” cho sự bế tắc của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng ưu đãi cho người thu nhập thấp được triển khai trước đó. Câu chuyện này đã được đại biểu Quốc hội Ngọc Bảo của tỉnh Vĩnh Phúc chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại nghị trường. Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Bình khẳng định “cũng có thể ai đó có một ý tưởng nào đó, ở đâu đó và cùng trao đổi với ai đó, chứ với tư cách Thống đốc NHNN, tôi chưa có chủ trương gì trong lĩnh vực này, do vậy chính thức chúng ta không có chương trình đó”.

Còn liên quan tới gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cũng như việc ưu đãi tín dụng cho người thu nhập thấp, người nghèo mua nhà, đại biểu Đồng Hữu Mạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng dù đã sửa nâng đối tượng vay, mở rộng đối tượng vay của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và có thêm một số chính sách mới, tuy nhiên còn bỏ sót một nhóm đối tượng người nghèo ở nông thôn cần vay vốn xây nhà tránh bão.

Theo đại biểu Mạo, có một đối tượng rất cần thiết và quan trọng nhưng không nằm trong diện được vay là những người dân ở nông thôn, nhà cửa hiện nay còn chắp vá, còn tạm bợ. Tính bức xúc của người dân nông thôn về nhà cửa cũng không kém gì người dân ở đô thị. Các đối tượng vay thuộc nguồn 30.000 tỷ đồng này hiện nay mới tập trung cho đô thị, trong khi ở nông thôn cũng rất cần. Chỉ cần 1 trận bão lụt là nhà cửa bị phá toang hết, và người dân phải làm lại. Người dân năm nay làm, sang năm lụt bão bị phá.

“Ở quê chúng tôi nói là người dân làm nhà tranh thì đắt tiền hơn làm nhà ngói, bởi vì mỗi lần làm tốn một ít nhưng nhiều lần làm thì tốn nhiều hơn nhà ngói. Người dân rất muốn có cơ sở hạ tầng, có một cái nhà cho ổn định, chưa nói đến là tài sản trong nhà bị thất thoát theo. Theo tôi nghĩ, nếu người dân vay được khoảng 100 triệu, không cần 1 tỷ đồng giống như các đối tượng khác ở đô thị, cộng với nỗ lực của họ thì họ có thể có một ngôi nhà cơ bản có thể tránh được bão, có thể tránh được lụt, có thể hạn chế được thiệt hại nhưng họ lại không được nằm trong diện vay này. Tôi xin phép hỏi Thống đốc vì sao nhân dân ở nông thôn lại không được ưu tiên vay vốn của nguồn 30.000 tỷ đồng này, và sắp tới có thể đề nghị mở rộng đối tượng vay, cho nhân dân vay để cải tạo nhà cửa được không”, đại biểu Mạo đặt câu hỏi.

Thị trường bất động sản “ấm” lên do tín dụng lĩnh vực này tăng 12%.

Gần 8.000 khách hàng đã được vay gói 30 nghìn tỷ

Trả lời câu hỏi tín dụng ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà, Thống đốc Bình đã báo cáo Quốc hội một số nét về gói 30 nghìn tỷ đồng. Thống đốc cho biết, đến khoảng ngày 20/9, tổng số khách hàng đã được tiếp cận vay vốn của chương trình này lên tới 7.823 khách hàng, trong đó có 26 doanh nghiệp, còn lại là cá nhân và các hộ gia đình. Với tổng số vốn cam kết ngân hàng cho vay là 5.900 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân là hơn 3.200 tỷ đồng. Trong đó đối với các hộ và các cá nhân tham gia chương trình này, tổng số vốn cam kết là 3.100 và tổng số vốn đã giải ngân là hơn 2.000. So với đầu năm 2013 thì tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực này đã đạt được khoảng 3,5 lần. Như vậy là đạt được tốc độ tăng trưởng rất lớn trong đầu năm vừa qua.

Theo Thống đốc Bình, việc ra đời của gói 30 nghìn tỷ đồng là xuất phát từ mục đích góp phần tháo gỡ cho thị trường bất động sản, và trên cơ sở cân đối tiền tệ, và từ Nghị quyết 02, đã tiến hành một chương trình cho vay nhà ở cho người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi cùng Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan lắng nghe ý kiến của đồng bào, cử tri cả nước, thấy có nhiều nội dung chưa phù hợp, NHNN đã cùng Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Chính phủ. Cuối tháng 8 năm 2014, Chính phủ đã ban hành nghị quyết mới là Nghị quyết 61 để bổ sung Nghị quyết số 02 trước đây của Chính phủ. Hiện nay các Bộ Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng đang khẩn trương xây dựng thông tư, và sẽ hoàn thiện thời gian sớm nhất để chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai trong thời gian vừa qua. Hy vọng với những nội dung đã được Nghị quyết 61 chỉnh sửa, bổ sung cũng như với các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan thì sẽ tạo thêm thuận lợi cho việc triển khai chương trình này.

Trong 9 tháng vừa qua đã có bước "ấm lên" của thị trường bất động sản hết sức tích cực. Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đến tháng 7/2014 cho lĩnh vực bất động sản đã tăng 9,85%, nếu theo số liệu cập nhật mới nhất cho đến giữa tháng 9 này thì con số đó đã hơn 12%. Điều đó thể hiện sự ấm lên của thị trường bất động sản, đặc biệt qua các phân khúc khác nhau về nhà ở ở các thành phố lớn, lượng giao dịch tăng lên rất nhiều trong thời gian vừa qua, đó là tín hiệu tốt. Còn về nhà cho người nghèo ở nông thôn tránh bão, hiện nay Ngân hàng chính sách xã hội cũng có một chương trình cho vay làm nhà đối với người có thu nhập thấp ở nông thôn đang triển khai rất tốt, hàng triệu lượt hộ gia đình được xây nhà theo chương trình này. Ngoài ra, như tôi được biết thì Bộ Xây dựng cũng có một chương trình, vừa rồi Bộ Xây dựng cũng đi nhiều địa phương để xúc tiến chương trình cho vay xây dựng nhà chống bão, lụt ở một số vùng có nhiều bão, lụt”, Thống đốc cho biết

Lệ Thúy
.
.
.