Quy định về “tầng lánh nạn” chưa phù hợp thực tế

Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:44
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, quy định cần phải có tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao từ 100m đến 150m là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra cháy, trong lúc chờ được cứu hộ cứu nạn.


Với các tòa nhà cao trên 150m, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số bộ, ngành liên quan nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm các nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng có chiều cao trên 150m để bổ sung vào bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy nổ với nhà cao tầng.

Trước quy định “tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng” đối với nhà có chiều cao từ 100m đến 150m, đại diện chủ đầu tư một dự án nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh phân tích, tòa nhà có chiều cao từ 100m đến 150m thường có khoảng 30-50 tầng. Với quy định trên, tòa nhà sẽ phải có 1 hoặc 2 tầng lánh nạn. 

Trong khi đó tầng lánh nạn là nơi không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại nên dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh của dự án. Từ đó làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các phần diện tích kinh doanh khác, mà người mua nhà và người đầu tư phải gánh chịu khi mua căn hộ hoặc mua diện tích kinh doanh của dự án. 

Để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, Bộ Xây dựng cần quy định cứng rằng tòa nhà cao 30-40 tầng phải bố trí 1 tầng lánh nạn; nhà cao 41-50 tầng phải bố trí 2 tầng lánh nạn. 

Đồng thời cho phép chủ đầu tư không tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính hệ số sử dụng đất và cho phép cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.

Đ.Thắng
.
.
.