Phát triển khu đô thị sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 21/02/2018, 08:58
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều thách thức cho TP HCM, vì vậy năm nay cùng với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới.

Nhắc đến những vấn đề cấp bách sẽ được TP HCM tập trung triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết để cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết ngay trong tháng 3 này, thành phố sẽ trình nội dung phân cấp ủy quyền, tăng thu nhập cho cán bộ; điều chỉnh, bổ sung một số loại phí như phí dừng ôtô trên lòng lề đường trong nội đô; phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp...

Thành phố cũng đang chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp như sắp xếp tên gọi một số đơn vị Nhà nước; sắp xếp lại các ban quản lý của thành phố và quận huyện theo hướng thu hẹp một số ban cho phù hợp.

Tiếp đó, thành phố sẽ thông qua đề án quản lý các doanh nghiệp Nhà nước theo mô hình phù hợp; trình đề án sắp xếp lại tên gọi một số đơn vị trực thuộc sở, ngành để phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần và quy mô dân số; đề xuất phương án gói phát hành trái phiếu địa phương... Tổng cộng sẽ có 21 đề án được UBND thành phố công bố đưa ra triển khai thực hiện.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, ngoài chuyện dân số đông, hiện cứ 5,5 năm thành phố có thêm 1 triệu người nhập cư. Nếu như các tỉnh, thành khác đầu tư ngân sách xây xong trường học, bệnh viên là có thể tạm yên tâm trong vòng 5-7 năm sau nhưng với TP HCM thì gần như năm nào cũng phải xây thêm trường học, bệnh viện.

Giải tỏa nhà ven kênh rạch là chủ trương lớn của thành phố và cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản.

Ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của khoảng 10 triệu người hiện là không đủ. Vì vậy, ngoài tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hoá, thì phương thức đi vay để đầu tư phát triển đã được Quốc hội cho phép thành phố thực hiện chính là chìa khóa để mở nút thắt bức xúc về vốn đầu tư hạ tầng đô thị.

Cùng lúc, số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư lại cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng là một hướng để thành phố đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư.

Ngay trong tháng 3 này, thành phố sẽ trình đề xuất điều chỉnh một số mức phí như phí dừng ôtô trong nội đô, phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp... rồi thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất với một số lĩnh vực.

Về vấn đề xử lý rác thải, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lâu nay rác thải đô thị ở thành phố chủ yếu đem chôn lấp, nay thành phố đặt mục tiêu kéo giảm từ 76% (trên tổng lượng rác) xuống mức 50% vào năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn 20% năm 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu này, cuối năm 2017 thành phố đã tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án biến rác thành điện.

Để đẩy mạnh quá trình chỉnh trang đô thị, mở đường phục vụ giao thông thủy, bộ và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ngân sách thành phố chỉ có thể chi được khoảng 2.500 tỷ đồng, trong khi thực tế cần tới hơn 23.000 tỷ.

Do vậy, TP HCM sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu dự án chỉnh trang 20.000 nhà trên kênh rạch trong 5 năm thông qua giải pháp không đầu tư vốn ngân sách. Người dân được tái định cư tại chỗ, còn nhà đầu tư thì được phép kinh doanh khai thác đất dọc bờ sông, rạch. 

Đồng chí Bí thư Thành ủy cho hay, thành phố đã chọn ra 6 dự án, khoảng 6-9 tháng nữa sẽ tổ chức đấu thầu để triển khai trước 1-2 dự án, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai đại trà.

Khẳng định việc thành phố công bố đề án đô thị thông minh chỉ là thay đổi cách làm chứ không đầu tư thêm tiền, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đề án này sẽ giúp thành phố quản lý tốt hơn; nâng tính dự báo để ngăn chặn, giảm bớt tình trạng quy hoạch các lĩnh vực phải chạy theo sự phát triển khi đô thị thông minh sẽ đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên tích hợp số liệu hàng năm.

Cũng theo đồng chí Bí thư Thành ủy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều thách thức cho TP HCM, vì vậy năm nay cùng với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới.

Trong đó, giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước tham gia thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP HCM. 

Đây là khu tam giác gồm các địa bàn quận 9 với chủ lực là Khu công nghệ cao; quận 2 với hạt nhân là Khu đô thị mới - Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên. Khu đô thị sáng tạo này sẽ có dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đức Thắng
.
.
.