Loay hoay quản lý biệt thự cổ ở Hà Nội:

Những “xóm trọ” trong biệt thự cổ

Chủ Nhật, 19/08/2012, 12:04
Tại địa chỉ 18A Lê Thánh Tông (Hà Nội), ngôi biệt thự cổ đã bị biến dạng gần như hoàn toàn bởi các hộ dân vì điều kiện sống đã cải tạo, cơi nới và trở thành nơi buôn bán từ cháo lòng, cà phê, cửa hàng tạp hóa… Không ai có thể hình dung được, nguyên bản, ngôi biệt thự này là một khách sạn đẹp vào hàng bậc nhất đất Thăng Long thời Pháp thuộc.

Những căn biệt thự với lối kiến trúc Pháp độc đáo, mang nhiều dấu ấn của lịch sử, văn hóa của Thủ đô từ lâu đã quá tải với tốc độ “phình” ra của các hộ dân sinh sống bên trong. Ngoài những biệt thự thuộc quyền quản lý và sử dụng của các cơ quan Nhà nước còn được bảo tồn và không bị hư hại, hầu hết biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1954 đều đang xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo không gian và điều kiện sống cho người dân.

Ngôi biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ trước đây do một đơn vị Quân đội quản lý. Từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đơn vị này phân làm nhà ở cho cán bộ, công nhân. Sau nhiều thập kỷ và qua nhiều thế hệ, ngôi biệt thự hiện là nơi sinh sống của 51 hộ dân và trên 100 con người. Mỗi gia đình chỉ có vẻn vẹn 20m2 bao gồm cả công trình phụ.

Bảo tồn được biệt thự cổ là bài toán không đơn giản.

Chị Mơ, một trong những hộ dân ở đây cho chúng tôi biết, nhiều hộ gia đình phải cơi nới và sống chung nhiều thế hệ trong những căn phòng chật chội như thế. Thậm chí, gầm cầu thang, gara ôtô cũng được sửa chữa thành nhà ở. Những hộ dân ở đây đều đang mong chờ được mua nhà theo Nghị định 61 để có thể dễ dàng bán và chuyển đến nơi khác sống rộng rãi hơn.

Nếu nhìn từ mặt phố Phan Chu Trinh, khó có thể nhận ra sau ngôi nhà cao tầng bề thế ở số nhà 26 là một biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc. Muốn vào ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi phải qua một lối đi nhỏ, sâu hun hút, 2 xe máy đi ngược chiều không thể tránh nhau. Theo gia đình bác Hoàng Quế Song, đang sinh sống tại đây, ngôi biệt thự là của 2 cụ Nguyễn Hữu và Hoàng Thị Đoan.

Chủ nhà vốn là học sinh khóa 1 của Trường Y Đông Dương. Ông bà đã quyết định chia ngôi biệt thự này cho 12 người con. Một thời gian sau đó, 2 người con lại bán phần đất lưu không phía trước, vườn khế bên cạnh trong khuôn viên ngôi biệt thự. Một công ty đã bỏ ra 19 tỷ đồng mua lại toàn bộ diện tích trên và xây một ngôi nhà 5 tầng án ngữ trước mặt ngôi biệt thự. Nhà xây lên đến đâu thì ngôi biệt thự bị che kín đến đó.

Nhiều hộ dân đang sinh hoạt rất chật chội trong các khu biệt thự cổ.

Tương tự, tại địa chỉ 18A Lê Thánh Tông, ngôi biệt thự cổ đã bị biến dạng gần như hoàn toàn bởi các hộ dân vì điều kiện sống đã cải tạo, cơi nới và trở thành nơi buôn bán từ cháo lòng, cà phê, cửa hàng tạp hóa… Không ai có thể hình dung được, nguyên bản, ngôi biệt thự này là một khách sạn đẹp vào hàng bậc nhất đất Thăng Long thời Pháp thuộc.

Bảo tồn biệt thự cổ đã được nhiều chuyên gia cũng như cơ quan quản lý Nhà nước đặt vấn đề từ rất lâu. Trong số gần 1.000 biệt thự cổ ở Hà Nội, theo thống kê của Sở Xây dựng, có tới 80% số lượng bị lấn chiếm, biến dạng, 15% còn nguyên dạng và 5% được xây mới.

Do nhu cầu về diện tích để làm văn phòng, kinh doanh và dịch vụ tăng đột biến, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây lại thành nhà nhiều tầng khiến Hà Nội bị mất đi giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Nhiều chuyên gia đánh giá, biệt thự giống như một xóm trọ khi có quá nhiều hộ ở.

Theo Bộ Xây dựng, số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở chỉ chiếm tỷ lệ 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở, số biệt thự 5-10 hộ chiếm hơn 50%, 10-15 hộ chiếm tỷ lệ khoảng trên 45%, cá biệt có khu lên tới 35-50 hộ cùng sinh sống.

Trước đây, cũng đã từng có đề xuất cho bán biệt thự nhưng lại vấp nhiều ý kiến trái chiều với lý do lo ngại sau khi bán, biệt thự sẽ bị cơi nới tự do, phá nát kiến trúc Hà Nội. Nhưng thực tế, kinh phí Nhà nước cấp cho Hà Nội chỉ đủ để chống dột. Nếu không bán, Hà Nội cũng vẫn loay hoay bởi không thể để người dân sống trong những căn hộ dột nát, xuống cấp với những nhà vệ sinh được xây dựng từ cách đây cả trăm năm.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, việc quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng quỹ biệt thự ở Hà Nội đã được ông đưa ra từ cách đây 10 năm nhưng sau đó đã “trôi dần” theo thời gian. Và cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một khung pháp lý nào cụ thể. “Trong một thập kỷ ấy, cùng với sự gia tăng về giá trị đất đai, các quỹ nhà biệt thự ngày càng nảy sinh nhiều phức tạp và xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế này khiến những người nặng lòng với Hà Nội không khỏi xót xa”, ông Nghiêm băn khoăn

Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.