Nhiều rào cản đối với người thu nhập thấp tiếp cận “gói” 30 ngàn tỷ đồng

Thứ Hai, 08/07/2013, 07:26
Hơn một tháng trôi qua, kể từ khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất 6%/năm dành cho người thu nhập thấp mua nhà chính thức được thực hiện, số doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân vẫn là vì vướng chỗ này, mắc chỗ khác xung quanh hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Người lao động tự do: ước mơ vay vốn ngoài tầm với

Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này sẽ công khai tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất đối với người thu nhập thấp vay tiền mua nhà. Tuy nhiên, mới đây nhất, thông tin về việc tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ mà NHNN công bố chỉ có 2 doanh nghiệp được vay với tổng số tiền gần 660 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng và các doanh nghiệp, cũng lác đác có vài thông tin công bố đã ký kết hợp đồng cho vay vốn như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ký kết hợp đồng với Công ty Viglacera về việc tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà tại các dự án của công ty này, đồng thời, tài trợ các dự án do Viglacera hoặc các đơn vị thành viên là chủ đầu tư. Cùng với đó, đã có 9 khách hàng cá nhân được VietinBank thực hiện ký kết hợp đồng 3 bên theo gói tín dụng này.

Ngoài ra, Công ty Địa ốc Nam Việt cũng cho biết, hiện nay đã có 1 khách hàng mua dự án căn hộ Khang Gia Tân Hương do công ty này phân phối đã được Ngân hàng BIDV giải ngân vốn vay. Trước đó, Bộ Xây dựng đã phê duyệt danh sách hơn 10 doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội đủ điều kiện để vay vốn tín dụng gói 30 nghìn tỷ đồng…

Không chứng minh khả năng trả nợ, lao động tự do khó tiếp cận vốn giá rẻ. Ảnh: Thiện Hoàng.

Trước tiến độ giải ngân “ì ạch”, ngay cả NHNN cũng sốt ruột. Cơ quan này đã phải có “trát” thúc 5 ngân hàng phải triển khai cho vay đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là đến thời điểm này, dù theo quy định của Bộ Xây dựng, ngoài cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, thì người lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể cũng sẽ được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, nhưng trên thực tế, để tiếp cận vốn đối với lao động tự do là ước mơ xa tầm với.

Anh Nguyễn Văn Huyên, quê ở Nghệ An, có một cửa hàng bán kem ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Sau nhiều năm bán hàng, tích cóp được một số vốn nho nhỏ, anh cũng đang tính tới mua nhà, nên rất quan tâm tới gói lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, dù cố gắng, anh cũng vẫn bị ngân hàng lắc đầu. “Nếu như với cán bộ công chức, việc chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ không quá khó, vì họ có bảng lương từng tháng, còn với người lao động tự do như tôi, việc này không hề dễ chút nào. Hơn nữa, do tính chất mùa vụ, việc kinh doanh của tôi lại bị xếp vào thu nhập không ổn định nên chứng minh được phương án trả nợ để ngân hàng “gật” là cả một vấn đề. Ngay cả điều tưởng như đơn giản nhất như việc lấy giấy xác nhận tình trạng nhà ở, do ở Hà Nội tôi chưa có nhà, về địa phương xác nhận phải nộp đơn rồi chờ người đến xác minh. Riêng việc này tôi trực tiếp đi làm hơn 1 tháng vẫn chưa xong”, anh Huyên chia sẻ.

Nhận xét về những khó khăn khi người lao động tự do muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, các chuyên gia cũng cho rằng, việc chứng thực tình trạng nhà ở là vấn đề khó bởi vì UBND xã, phường chỉ có thể chứng nhận hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, tạm vắng. Còn để xác nhận về tình trạng nhà ở, diện tích thì phải đi điều tra, nhưng ai đi điều tra và thời gian bao lâu thì chưa có quy định nào cụ thể. Đấy là chưa kể về mặt pháp lý, không có cơ sở để UBND phường đến điều tra, xác định chỗ ở của những người có nhu cầu xác nhận này được. Thế nên, việc xác nhận này có thể sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực như “mua xác nhận”, quen biết mới được xác nhận...

Ảnh: Thành Huy.

Nhiều bất cập cản đường dòng vốn

Theo TS Nguyễn Minh Phong, thì việc giải ngân gói tín dụng này chậm cũng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan từ cả hai phía ngân hàng và khách vay vốn. Trong quá trình triển khai của các cơ quan chức năng, còn có nhiều bất cập. Trước tiên, phải nói đến việc quy định thế nào là thu nhập thấp cũng vẫn không rõ ràng. Theo quy định của Bộ Xây dựng, người chưa phải đóng thuế TNCN là người thuộc diện thu nhập thấp. Điều này đồng nghĩa với sau 1/7, người có thu nhập dưới 9 triệu sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, dưới 9 triệu nhưng mức nào mới được vay vốn tùy thuộc vào thẩm định của từng ngân hàng. Riêng đối với những người lao động tự do, thu nhập không ổn định, không phải khó mà họ không thể chứng minh được thu nhập đủ trả nợ.

Một bất cập nữa từ chính sách đó là theo quy định, điều kiện cho vay bắt buộc đó là khách hàng phải có hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư. Điều này đặt khách hàng vào tình thế khó khăn: thứ nhất phải có đủ vốn để đặt cọc (ít nhất là 20% giá trị căn nhà) thì mới được ký hợp đồng. Mà dù có tiền đặt cọc, được ký hợp đồng, nhưng với rất nhiều tiêu chí khác đặt ra, liệu có chắc khách hàng sẽ đủ điều kiện để được vay vốn? Nếu đặt cọc rồi, ký hợp đồng rồi, mà không đủ điều kiện để được vay vốn, thì người thu nhập thấp không may đó sẽ kiếm đâu tiền để đóng nốt 80% giá trị căn hộ còn lại? Đấy là chưa kể, sau khi đã đặt cọc và ký hợp đồng, đa phần các chủ đầu tư hiện nay đều yêu cầu người mua nhà đóng tiền theo tiến độ, nếu đóng chậm sẽ bị phạt 30-40% giá trị hợp đồng.

Bởi vậy, tâm lý của người mua, nếu chưa vay được tiền ngân hàng chắc chắn sẽ không dám ký hợp đồng với chủ đầu tư. Chính những ràng buộc như vậy khiến người mua nhà không thể tiếp cận vốn vay ưu đãi. Giấc mơ mua nhà ở của người có thu nhập thấp, thuộc diện được vay vốn ưu đãi cũng quá xa vời.

Việc giải ngân chậm đang gây nhiều bất lợi cho khách hàng, vì theo quy định, khách hàng chỉ được vay vốn ưu đãi trong vòng 10 năm, và không quá ngày 1/6/2023. Sau thời điểm này, khách hàng sẽ phải chịu mức lãi suất do các ngân hàng quy định. Như thế, tiến độ càng chậm, thì thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi của khách hàng càng ngắn, mà với người thu nhập thấp, nhu cầu vay vốn của họ là rất dài hạn, có thể kéo dài tới 15-20 năm mới trả hết nợ

Lệ Thúy
.
.
.