Nhiều người thu nhập thấp chưa có cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ

Thứ Bảy, 21/08/2010, 16:54
Chú trọng phát triển quỹ nhà ở xã hội, mới đây, TP Hà Nội còn yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, để các doanh nghiệp nhanh chóng khởi công dự án. Với những người có thu nhập thấp lại chưa có nhà ở, đây chưa chắc đã là tin mừng vì đến giờ chưa ai biết tiêu chí chọn người được mua nhà thế nào.
>> Hà Nội công bố diện được mua nhà thu nhập thấp

Những căn chung cư thuộc một số dự án nhà xã hội đầu tiên chuẩn bị được hoàn thành. Đến thời điểm này, dự án đầu tiên là dự án tại phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã được chủ đầu tư là Vinaconex Xuân Mai công bố chính thức rao bán với giá 8,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên làm thế nào để hồ sơ được duyệt và làm chủ những căn nhà với diện tích trung bình 60-70m2 với giá chừng 600 đến 700 triệu đồng vẫn đang là băn khoăn của không ít người có thu nhập thấp. Điều này xuất phát từ việc tiêu chí để lựa chọn người được mua, thuê nhà ở xã hội vẫn chưa rõ ràng.

Hồ sơ sẽ do cả chủ đầu tư, Sở Xây dựng duyệt

Ở thời điểm này, tại Hà Nội, dự án thí điểm đầu tiên xây dựng quỹ nhà ở xã hội (khoảng 800 căn hộ) bằng vốn ngân sách tại lô CT 19A Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành và bàn giao. Tương tự, một số dự án nhỏ lẻ khác do các doanh nghiệp đăng ký qua hơn 1 năm triển khai xây dựng cũng sẽ hoàn thành trong khoảng đầu quý IV/2010.

Chú trọng phát triển quỹ nhà này, mới đây, thành phố còn yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp nhanh chóng khởi công dự án đã đăng ký. Với những người có thu nhập thấp lại chưa có nhà ở, thoạt nghe những thông tin này có vẻ rất phấn khởi, hồ hởi, thế nhưng làm thế nào để có thể sở hữu được những căn hộ này hầu hết đều băn khoăn. Nguyên nhân chủ yếu là do đến giờ chưa mấy ai biết việc mua bán sẽ thế nào, những đối tượng nào sẽ được mua.

Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 25 tầng tại phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) là đơn vị đầu tiên chính thức thông báo bán nhà. Ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, cho biết, hiện dự án nhà ở xã hội mà công ty đang thực hiện đã bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Cuối tháng 8, công ty sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Giá dự kiến khoảng 8,8 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT). Với mức giá trên, mỗi căn hộ có diện tích trung bình 70m2 sẽ có giá hơn 600 triệu đồng.

Đơn vị này sẽ tiếp nhận hồ sơ mua nhà trong vòng một tháng.  Để tránh sự phức tạp, căn cứ vào số điểm tính từ cao đến thấp (thang điểm 100 theo quy định của thành phố), chủ đầu tư sẽ tập hợp danh sách người mua nhà rồi trình lên Sở Xây dựng Hà Nội để thẩm tra, ra quyết định.

Tuy nhiên, ông Huy cũng nói thêm rằng, những động thái bán nhà ở xã hội hiện nay vẫn là việc đi trước một bước. Bởi thực tế, theo quy định vừa ban hành của UBND TP Hà Nội, những đối tượng được mua nhà ở xã hội là những người có mức thu nhập dưới mức trung bình của TP Hà Nội do Cục Thống kê Hà Nội ban hành.

Sở hữu một căn hộ giá rẻ còn là mơ ước của nhiều người có thu nhập thấp.

Thực tế, hiện nay tiêu chí người có thu nhập thấp theo cách xác định này vẫn chưa có. Ngoài ra, vấn đề giá bán cũng chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân sớm có nhà ở, công ty sẽ bán trước cho người có nhu cầu với giá 8,8 triệu đồng/m2. Sau đó, giá được các cơ quan chức năng thẩm định thấp hơn giá doanh nghiệp đưa ra, doanh nghiệp sẽ trả lại cho người mua; ngược lại, người mua sẽ phải nộp thêm.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc doanh nghiệp "đi trước một bước" cũng là hợp lý để nhanh chóng đưa nhà ở xã hội vào thực tế, miễn sao, cuối cùng doanh nghiệp phải làm đủ các thủ tục đúng quy định.

Lao động nhập cư vẫn phải xếp hàng dài…

Theo thang điểm 100 của Bộ Xây dựng thì Bộ chỉ quy định 90 điểm còn 10 điểm là do địa phương quy định. Tuy nhiên, trong quy định mới ban hành của UBND TP Hà Nội ngày 16/8 vừa qua thì đối tượng ưu tiên trong 10 điểm này tập trung và chú trọng đến yếu tố "thâm niên": Cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945, thương, bệnh binh suy giảm khả năng lao động dưới 81%, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giáo sư, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ nhân dân…

Những gia đình cán bộ công nhân viên chức bình thường cũng phải có 2 người có thâm niên công tác trên 25 năm. Nếu chiếu đúng quy định này thì những lao động nhập cư ở độ tuổi trung và thanh niên rất ít "cửa" để mua được nhà ở xã hội. Đồng thời, nếu chưa có hộ khẩu thường trú, muốn mua nhà ở xã hội, người ngoại tỉnh phải đăng ký hộ khẩu tạm trú dài hạn. Trong khi đó, dự án nhà ở xã hội được phép bán hiện nay chỉ là dự án của Vinaconex Xuân Mai với số lượng 328 căn nên sẽ càng ít cơ hội hơn cho người ở các tỉnh khác về làm việc ở Hà Nội.

Niềm hi vọng của rất nhiều người có thu nhập thấp còn tiếp tục trông chờ vào dự án 800 căn tại dự án nhà ở xã hội ở khu đô thị Việt Hưng (quận Gia Lâm). Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Dự án này là dự án được xây dựng bằng nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội nên sẽ không bán theo quy định của nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư. Hiện dự thảo văn bản này đang được soạn thảo theo hướng, các căn nhà ở khu đô thị này sẽ chỉ được bán cho những người làm việc trong các cơ quan hành chính của thành phố Hà Nội. Với quy định như thế, chắc chắn hầu hết lao động nhập cư sẽ có rất ít cơ hội để có thể sở hữu những căn hộ của dự án này. Vì vậy, những lao động ở các tỉnh khác đến Hà Nội làm việc vẫn phải xếp hàng đợi các dự án khác...

Chỉ trong hơn 1 năm trở lại đây, cả nước đã có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, tương đương 205.380 căn hộ. Trong đó, vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng... Ngoài ra, còn có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng, minh chứng về sự "chuyển làn" ồ ạt của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Nhóm PV
.
.
.