Nhà ở xã hội tại các thành phố lớn: Người ăn không hết, kẻ lần không ra

Thứ Tư, 21/01/2015, 11:59
Có đến 80% người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cần được hỗ trợ về nhà ở. Cận Tết Nguyên đán, một số dự án nhà ở xã hội vừa mở bán đã cháy hàng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho biết hằng ngày vẫn tiếp đón hàng chục người dân đến hỏi mua nhà ở xã hội, dù số lượng căn hộ đã được bán hết từ trước đó. Tuy vậy, hiện cũng không thiếu những dự án vẫn dài cổ đợi khách.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) đã hoàn thiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 đưa vào sử dụng 2.000 căn hộ. Ngay khi bàn giao, toàn bộ số căn hộ trên khách hàng đã dọn về ở. Giai đoạn 3 của dự án được khởi công vào giữa năm 2014 với tổng số 1.500 căn hộ bao gồm cả căn hộ bán và cho thuê. Trong số này có 270 căn hộ dành cho thuê với các loại diện tích 45m, 47m, 60m, 69,5m. Giá dự tính là 30.000 đồng/m²/tháng, phí dịch vụ khoảng 2.000đ/m²/tháng. Tuy vậy ngay từ đợt mở bán đầu tiên của giai đoạn 3 này, số lượng căn hộ để bán đã có già nửa khách hàng đăng ký mua, trong đợt mở bán mới đây, số căn hộ để bán còn lại cũng đã có chủ. Chỉ còn một số lượng nhỏ căn hộ cho thuê.

“Những ngày gần đây, chúng tôi liên tục nhận được hồ sơ đăng ký mua nhà, có những ngày hàng chục người cùng đến hỏi. Tuy nhiên, toàn bộ số căn hộ đã có khách hàng nộp hồ sơ đăng ký mua từ trước đó cho nên chúng tôi phải trả lời khéo với khách hàng, tư vấn cho họ nộp hồ sơ thuê nhà. Sau 5 năm nếu ưng ý khách hàng có thể mua”, ông Tuấn nói

Không chỉ riêng tại dự án nhà ở xã hội Đặng Xá, mà nhiều dự án khác như: dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Chèm - Bắc Cổ Nhuế (Từ Liêm) do Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư cũng đã bán hết toàn bộ số căn hộ sau khi mở bán. Đơn vị này cũng đang chuẩn bị bàn giao nhà để khách hàng nhận nhà đón Tết. Trong ít ngày qua, một số dự án nhà ở xã hội vừa được tung ra thị trường cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng như: dự án nhà ở xã hội tại tòa nhà CT15, CT16 Khu đô thị mới Tứ Hiệp do Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí làm chủ đầu tư. Đây là dự án xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức có thu nhập thấp của Bộ Tài chính và các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô.

Hạ tầng đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng để dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội) thu hút được khách hàng.

Trong cuộc gặp gỡ vừa được UBND thành phố Hà Nội tổ chức với đại diện nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà xã hội trên địa bàn thì ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội lo ngại cho chính dự án mình đang xây dựng. Điển hình như, đại diện Tổng Công ty HUD thừa nhận, đã gửi bản đăng ký mua nhà đến nhiều nơi nhưng dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh tại huyện Mê Linh có rất ít người đăng ký. Điều  này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Lo ngại của đại diện chủ đầu tư một số dự án cũng đã được nêu rất rõ trong bản báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội. Theo đó, những dự án nhà thu nhập thấp không thuận tiện về hạ tầng kỹ thuật như khu vực huyện Mê Linh và một số huyện xa trung tâm sẽ khó khăn trong thu hút người mua nhà.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong hai năm (2013-2014), tại Hà Nội đã có 9 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp 5.996 căn hộ, tương đương 473.932m2 sàn xây dựng. Điển hình như dự án nhà xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, đô thị Linh Đàm.

Cũng trong năm 2014, đã có 9 dự án nhà xã hội được thành phố chấp thuận đầu tư với 6.146 căn hộ, tương đương 546.598m2 sàn xây dựng. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, thành phố đã thực hiện chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội 19 dự án với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 4.990 căn với tổng diện tích sàn khoảng 1,172 triệu m2 sàn. Tuy vậy, bên cạnh các dự án triển khai đúng tiến độ, cũng đã có 9/12 dự án chậm so với yêu cầu.

Đáng chú ý, theo lời Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì một số dự án nhà xã hội quá xa trung tâm, hạ tầng thiếu đồng bộ đã có dấu hiệu “hụt hơi”, không được người mua nhà chào đón.

Đề cập đến việc nhiều dự án nhà ở xã hội không được người dân chào đón, TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, chuyển đổi sang nhà ở xã hội hiện được nhiều chủ dự án coi như lối thoát, giúp thoát khỏi bế tắc về đầu ra. Việc chuyển đổi dễ tiếp cận được gói vốn giá rẻ để tiếp tục triển khai dự án. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vào “cuộc đua” xin phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là rất cần thiết phải có quy hoạch cụ thể, phải khảo sát nhu cầu thực tế từng khu vực, địa điểm trước khi cho phép chuyển đổi. Chẳng hạn như, hiện tại nhu cầu nhà thu nhập thấp trong khu vực nội thành đang còn lớn, nhưng các dự án được phê duyệt chuyển đổi lại chủ yếu nằm ở các khu vực ngoại thành thì tại sao không ế, không có người mua. Bên cạnh đó còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, khớp nối hạ tầng tại khu vực đó nữa. Điều kiện ăn ở, học hành của con cái họ cũng là điều rất quan trọng để người dân chuyển đến ở.

Kiểm tra toàn diện các dự án phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và tăng cường quản lý đối với các dự án phát triển nhà ở khi trên địa bàn đã có 426 dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng; 201 dự án nhà ở đang triển khai xây dựng cùng 689 dự án phải tạm ngưng triển khai, ngày 19/1, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.

Việc kiểm tra các dự án sẽ được tiến hành toàn diện, từ cơ sở pháp lý thực hiện, quá trình đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như hệ thống điện, nước, đường giao thông… để yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà theo quy định. Với các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, TP Hồ Chí Minh cũng giao các quận, huyện kiểm tra với những nội dung tương tự.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện liên quan nghiên cứu, đề xuất về điều kiện để xử lý cấp giấy chứng nhận cho hàng ngàn trường hợp đã sang nhượng nhà tái định cư. (Đ.Thắng)

Phan Hoạt
.
.
.