Ngân hàng đất đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 23/07/2018, 09:25
Từ khi các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rơi vào cảnh khan hiếm cát dẫn đến giá cả tăng chóng mặt, khiến cho các dự án của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Hiện, Cà Mau cần 600.000m3 cát để thực hiện những công trình tái định cư cấp bách cho dân và đắp nền đê ven biển.


Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh có 290.000ha đất nuôi trồng thủy sản được bà con nạo vét bùn hàng năm. Lượng bùn này rất nhiều mà không có chỗ chứa nên nhiều người lén lút bơm ra kênh, rạch khiến cho dòng chảy bị tắc và ô nhiễm. 

“Bà con nông dân làm như vậy thì Nhà nước sẽ tốn chi phí rất lớn để thông luồng cho tàu thuyền đi lại. Có ngân hàng đất thì sẽ giảm được khoản chi này” - ông Nam chia sẻ. 
Đường vào ngân hàng đất ở Cà Mau.

Để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người dân, Cà Mau lập phương án tận thu bùn nạo vét ao tôm. Giải pháp đưa ra là bùn bơm vào sà lan rồi bỏ chất phụ gia vào trộn đều để tăng độ kết dính trước khi đưa đến nơi cần san lấp. 

Theo ông Tô Quốc Nam, khi có vật liệu thay thế thì tuyến đê biển rộng 7,5m, dài 35km từ thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến xã Khánh Hội (huyện U Minh) mới được thực hiện sớm. Hiện, nhiều nơi ở khu vực ven biển này đang đối mặt với tình trạng sạt lở. Các nhà khoa học đang có kế hoạch đến Cà Mau lấy mẫu bùn rồi trộn với chất phụ gia để xem độ kết dính như thế nào. Nếu tiền bỏ ra mua phụ gia và bùn thấp hơn giá cát thì phương án chọn vật liệu thay thế này sẽ khả thi.

Cùng với việc tìm kiếm vật liệu thay thế cát, lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cùng WB đến Hà Lan tham quan mô hình ngân hàng đất được đầu tư rất hiệu quả tại nước này. Cách làm của Hà Lan là có một lực lượng chuyên đi nạo vét kênh, mương từ nông thôn đến đô thị rồi mang về ngân hàng đất. Tại đây, đất được phân loại để làm phân hữu cơ, trộn phụ gia để mang đi san lấp nền đường, công trình dân dụng... 

Sau chuyến thực tế, Sở NN&PTNT Cà Mau trình phương án cho Bộ NN&PTNT rồi được WB đầu tư 20 tỷ đồng để triển khai dự án ngân hàng đất duy nhất ở ĐBSCL. Hiện, dự án đang bước vào giai đoạn chuẩn bị khai thác bùn để đưa về ngân hàng dự trữ. 

“Cà Mau mỗi năm có đến 10 triệu m3 đất bùn được nạo vét. Chúng tôi hỏi lãnh đạo các ngân hàng đất ở Hà Lan nếu diện tích chứa đất khoảng 11ha như Cà Mau thì mỗi năm họ đạt doanh thu đến 3 triệu Euro. Chúng tôi làm ngân hàng đất là nghĩ đến tương lai vì việc khan hiếm cát chắc chắn sẽ còn kéo dài” - ông Nam khẳng định.

Đ.Văn – H.Yên
.
.
.