Xung quanh quy định bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai:

Loay hoay trước giờ 'G'

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:41
Quy định các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải ký cam kết bảo lãnh cho khách mua nhà thông qua ngân hàng chuẩn bị có hiệu lực, khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7. Chỉ còn ít ngày nữa, quy định này sẽ chính thức được áp dụng, thế nhưng đến thời điểm này, người dân thì đang thắc mắc liệu giá nhà có bị lợi dụng quy định để đẩy lên cao, trong khi các doanh nghiệp thì lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng…

Khách hàng cẩn trọng

Nhắm được một số dự án có vị trí và giá cả hợp lý, vợ chồng anh Vũ Dũng Kiên (Đống Đa, Hà Nội) đang có ý định mua một căn chung cư khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Đã đến tận nơi, xem xét kỹ từng dự án nhưng nửa tháng nay, vợ chồng anh vẫn chưa quyết định xuống tiền ở dự án nào. “Chính vì nghe qua quy định từ ngày 1/7, chủ đầu tư phải mua bảo lãnh cho khách hàng nên vợ chồng tôi chưa quyết định mua ở dự án nào. Mặc dù cũng đã xem xét kỹ các dự án nhưng nếu ký hợp đồng mua bán lúc này vẫn có độ rủi ro.

Cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đang chờ đợi những hướng dẫn thực hiện quy định bảo lãnh mua nhà.

Nếu sau ngày 1/7, có bảo lãnh của ngân hàng thì lỡ xảy ra vấn đề gì thì ngân hàng sẽ đứng ra hoàn lại tiền cho khách hàng, như thế sẽ yên tâm hơn”, anh Kiên cho biết. Khi được hỏi, liệu qua ngày 1/7, giá nhà sẽ tăng bởi khoản phí bảo lãnh từ phía ngân hàng, anh Kiên cho biết, đã hỏi trực tiếp một số chủ đầu tư và được các chủ đầu tư khẳng định khách hàng có thể yên tâm bởi chính sách bán hàng vẫn giữ nguyên.

Cũng có nhu cầu mua nhà, nhưng vợ chồng anh Trần Công Ảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhất quyết chờ quy định bảo lãnh sau một lần “chết hụt”. Vợ chồng anh đầu năm 2012 đã quyết định mua một căn hộ tại dự án Sky Garden (ngõ 12, Định Công, Hoàng Mai) do Tập đoàn Vân Thái làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 28 tầng, nhưng chủ đầu tư chỉ thi công đến tầng 8, từ đó đến nay dự án “đắp chiếu”, sắt thép phơi nắng hoen gỉ, không hẹn ngày bàn giao.

Cũng may mà số tiền đóng vào dự án chưa nhiều nên vợ chồng không lâm vào cảnh điêu đứng. Được sự giúp đỡ từ hai bên gia đình nội ngoại, vợ chồng anh quyết định tìm một căn hộ có diện tích nhỏ để giải quyết chỗ ở trước mắt. Tuy nhiên sau một lần “chết hụt”, vợ chồng anh cẩn trọng hơn khi quyết định mua nhà

 “Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều dự án hàng tháng nay, nhưng chưa quyết định. Vợ chồng tôi đang nghe ngóng về quy định ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho người mua nhà sau đó mới quyết định. Chắc chắn 1/7 tới đây, quy định này vẫn chưa thể áp dụng ngay được, nhưng chúng tôi sẽ chờ. Chủ đầu tư giới thiệu, quảng cáo dự án thì hay lắm, nhưng sau đó thì chưa biết thế nào. Do đó, vợ chồng tôi vẫn quyết định ở nhà thuê thêm một thời gian nữa để xem xét tình hình cụ thể”, anh Trần Công Ảnh chia sẻ.

Doanh nghiệp lúng túng

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, quy định này nhằm đảm bảo sự an toàn cho số tiền đóng theo tiến độ của người mua nhà. Do đó, việc bắt buộc các dự án BĐS phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà là điều cần thiết. Tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ để trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất khả năng thanh khoản thì khách hàng sẽ không mất tiền do đã mua bảo hiểm.

Theo Bộ Xây dựng, sẽ có một cam kết giữa ngân hàng, chủ đầu tư và người mua nhà để khoản tiền này sẽ không bị khấu trừ, thu hồi ngay vào các khoản nợ mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng trước đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Luật đã được Quốc hội thông qua, nhưng các cơ quan có liên quan như: Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể thể triển khai. Người dân thấp thỏm chờ đợi, doanh nghiệp thì lúng túng trước giờ “G”.

Trong vai trò của một chủ đầu tư đang có một dự án được nhiều người quan tâm là Park View Resident, ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT CENINVEST khẳng định, doanh nghiệp hiện đang rất lúng túng vì chưa biết thực hiện thế nào.

Sát ngày (1/7) quy định này sẽ có hiệu lực nhưng vẫn chưa có bất kỳ một hướng dẫn cụ thể nào để doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp hiện vẫn chưa biết ngân hàng nào được chỉ định đứng ra bảo lãnh, hay tài sản thế chấp ra sao… Đây là vấn đề không đơn giản, bởi ngân hàng thu có 1- 2% phí, mà phải chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án của chủ đầu tư thì liệu ngân hàng họ có chấp thuận? Mọi chuyện giờ phụ thuộc hoàn toàn ở phía ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp, câu chuyện giờ chỉ dừng lại ở việc có quy định như thế, còn thực hiện thế nào thì chưa biết. Một câu hỏi cả chủ đầu tư và người mua nhà đang chờ đợi là mức phí bảo lãnh của ngân hàng sẽ là bao nhiêu, bởi nếu quá cao thì đương nhiên giá nhà sẽ tăng lên vì chi phí đó được phân bổ vào giá bán căn hộ.

Nên đưa phí bảo lãnh vào đơn giá nhà, tránh rủi ro

Đây là một nội dung đáng chú ý được đưa ra tại buổi tọa đàm về việc thực hiện bảo lãnh bán nhà theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) diễn ra chiều 24/6.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là liệu khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7 thì phí bảo lãnh được tính toán như thế nào, và giá nhà liệu có tăng theo do đội thêm phí bảo lãnh?

Giải thích cho vấn đề này, ông Đoàn Thái Sơn cho biết: Luật có quy định rõ, mức phí bảo lãnh của ngân hàng thu của khách hàng sẽ do các bên thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Như vậy, mức phí này sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mức độ rủi ro của từng dự án mà ngân hàng tham gia bảo lãnh cũng như mức độ cạnh tranh”.

Đề xuất rõ ràng hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, trong công thức tính giá bán tại các hợp đồng phải thể hiện rõ giá nhà tính theo m², VAT, phí bảo trì… và nên đề rõ phí bảo lãnh là bao nhiêu.

“Ví dụ, 1m² có giá là bán 25 triệu đồng, căn hộ diện tích 100m² thì khi người mua nộp tới đợt cuối cùng trước khi nhận nhà sẽ vào khoảng 70% giá trị hợp đồng khoảng 1,7 tỷ đồng. Nếu mức phí bảo lãnh là khoảng 0,5% thì số tiền cụ thể là hơn 8 triệu đồng. Còn nếu  doanh nghiệp tín nhiệm thấp, mức phí bảo lãnh là 2% thì số tiền là khoảng 32 triệu đồng. Nếu khoản này đảm bảo cho người mua nhà thì bỏ ra 8 triệu đồng cho một căn nhà trị giá 2,5 tỷ đồng sẽ không phải là quá lớn”, ông Hiệp tính toán.

Lệ Thúy

Phan Hoạt
.
.
.