Lật tẩy những kẻ "chăn vịt trời" trên khu đất "vàng"

Chủ Nhật, 11/04/2010, 14:16
Bất ngờ được “đồng nghiệp cũ” liên lạc và cho xem “Biên bản bản bàn giao quản lý đất dự án" có con dấu và chữ ký của Phó Chủ tịch TP Hà Nội, anh Chí chuyển ngay cho Minh 200 triệu đồng để được thuê đất. Cho đến khi cơ quan Công an lật tẩy kịch bản lừa của Trần Văn Minh, ngoài số tiền trên, anh Chí còn "mất oan" khoảng 100 triệu đồng để chi cho việc thuê 2 máy ủi ngày đêm san đất tại khu đất của gã "chăn vịt trời" ấy...
>> Thanh tra viên Thanh tra Chính phủ lừa bán đất

Thời gian qua, Công an Hà Nội đã khám phá một số vụ án đối tượng làm giả văn bản, con dấu, chữ ký của lãnh đạo TP Hà Nội để thực hiện hành vi lừa đảo. Dựa vào những dự án có thật, vị trí đẹp, các đối tượng này đã làm các văn bản giả với nội dung được UBND TP Hà Nội giao quản lý hoặc thực hiện các dự án này nhằm lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của những đơn vị, cá nhân có nhu cầu đầu tư. Loại tội phạm này không mới nhưng còn nhiều người mắc bẫy dễ dàng...

Bỗng dưng... bị lừa

Anh Bùi Ngọc Chí, Giám đốc Công ty BNC, nạn nhân của kẻ lừa cho thuê khu đất "vàng" có diện tích 100.000m2 tại đường Trần Duy Hưng, đến giờ vẫn chưa hết "ngạc nhiên" trước chiêu lừa ngoạn mục của Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty TMP. Anh Chí cho biết, cuối năm 2009, anh có ý định tìm thuê đất để kinh doanh mô hình ăn uống "Làng nướng". Anh đã bỏ khá nhiều thời gian đi khắp Hà Nội nhưng chưa tìm được mảnh đất ưng ý.

Trong lúc đang nản, đột nhiên anh nhận được cú điện thoại của Trần Văn Minh, một đồng nghiệp tại công ty cũ cách đây đã 5-7 năm. Minh thông báo công ty của mình được TP Hà Nội giao cho trông nom, quản lý "khu đất vàng" Dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan Văn phòng đại diện cho 60 tỉnh, thành phố tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng. Trong lúc dự án này chưa triển khai thì công ty của Minh được quyền quản lý, khai thác kinh doanh mặt bằng khu đất này.

Giám đốc lừa Trần Văn Minh (ngoài cùng bên trái) chấp hành Lệnh khám xét của CQĐT.

Thông tin của Minh khiến anh Chí như người bắt được vàng bởi vị trí khu đất ấy quá đẹp, rất phù hợp để thực hiện ý tưởng kinh doanh "Làng nướng" của anh. Ngay lập tức, anh đề nghị gặp Minh để bàn bạc cụ thể. Minh đồng ý gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, Minh đưa cho anh Chí xem bản photo "Biên bản bàn giao quản lý, bảo vệ, trông nom mặt bằng đất dự án" đề ngày 4/2/2010. Cuối văn bản có con dấu của UBND TP Hà Nội và chữ ký của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh. Quá vui mừng, anh Chí chẳng quan tâm đến việc công ty của Minh kinh doanh gì, trụ sở ở đâu, mà chỉ tập trung bàn bạc giá thuê đất. Sau khi thỏa thuận, Minh đồng ý sẽ cho anh Chí thuê với giá 18.000 đồng/m2/tháng. Sau khi ký hợp đồng, anh Chí phải tự bỏ tiền ra san lấp mặt bằng. So với mặt bằng chung thì cái giá đó quá "ngon" nên anh Chí gật liền và đề nghị Minh đưa đi xem đất.

Không nghi ngờ gì, ngày 15/3, anh Chí chuyển cho Minh 200 triệu đồng. Cho đến khi cơ quan Công an lật tẩy kịch bản lừa của Trần Văn Minh, ngoài số tiền trên, anh Chí cho biết còn "mất oan" khoảng 100 triệu đồng để chi trả cho việc thuê 2 máy ủi ngày đêm san đất tại khu đất của gã "chăn vịt trời" ấy.  

Kẻ "thích" làm… lãnh đạo thành phố

"To gan" hơn Trần Văn Minh là Triệu Tài Lâm, kẻ giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND Hà Nội phê duyệt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế và văn hóa Hòa Lạc - Hà Nội trị giá đầu tư 1,5 tỷ USD để lừa đảo. Không những vậy, Triệu Tài Lâm còn tỏ ra "thích" làm lãnh đạo khi tự tay "bút phê" và ký trên lá đơn của bị hại.

Kẻ giả mạo này nguyên là cán bộ Vụ Chính sách dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc Chính phủ đã nghỉ hưu. Cuối tháng 9/2008, thông qua Nguyễn Hoa Lục (ở TP HCM) và Trương Thị Luận (ở tỉnh Đồng Nai), Lâm biết ông Trương Quang Hiển, Giám đốc Công ty CP Hương Sen (Lâm Đồng) có ý định huy động vốn đầu tư vào các dự án. Tại các buổi gặp gỡ, Lâm tự "vỗ ngực" khoe khoang là thư ký Chương trình 135 của Chính phủ, có quan hệ thân thiết với giới "quan chức" Hà Nội nên việc "xin" phê duyệt đầu tư dự án không mấy khó khăn.

Tin lời Lâm, đầu tháng 10/2008, anh Hiển có đơn xin đầu tư gửi Triệu Tài Lâm. Nhận đơn, Lâm tự tay "bút phê" và ký tên vào góc đơn: "Đồng ý theo đề nghị của Công ty Hương Sen, Lâm Đồng" rồi cùng vợ là Mai Thị Thọ làm giả Giấy chứng nhận đầu tư, giả mạo chữ ký của lãnh đạo TP Hà Nội và gửi cho anh Hiển. Có được giấy chứng nhận đầu tư này, anh Hiển đã đưa cho Lâm 500 triệu đồng thông qua Lục. Cũng bằng thủ đoạn trên, Lâm đã thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo, thu lợi hàng tỉ đồng. Với hành vi phạm tội trên, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm cuối tháng 3 vừa qua, Triệu Tài Lâm đã phải nhận mức án 7 năm tù giam.

Nhận diện tội phạm

Thượng tá Phan Cao Thu, Phó trưởng Phòng PC15 Công an TP Hà Nội phân tích, loại tội phạm giả mạo văn bản, chữ ký của lãnh đạo thành phố để lừa đảo như các vụ án nêu trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Không chỉ thiệt hại vật chất được tính bằng tiền (hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng) cho người bị hại, loại tội phạm này còn gây hậu quả phi vật chất khi làm ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân của các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng như hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền. Đặc điểm của loại tội phạm này là không thực hiện đến cùng hành vi, sau khi chiếm đoạt một khoản tiền (tiền đặt cọc hoặc tiền trả đợt đầu theo thỏa thuận), đối tượng sẽ nhanh chóng cắt liên lạc, thay đổi chỗ ở, bỏ trốn vì chúng biết rõ hành vi lừa đảo sẽ sớm bị bại lộ.

Xác định tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an Hà Nội, ngay sau khi có thông tin, Phòng PC15 đã khẩn trương tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ với Công an cơ sở nhanh chóng làm rõ, bắt giữ đối tượng, ngăn chặn hành vi phạm tội, đồng thời thu hồi tài sản cho người bị hại, bảo vệ uy tín của lãnh đạo thành phố. Trong 2 vụ lừa đảo điển hình trên, chỉ sau 3-5 ngày kể từ khi nhận tin, Phòng PC15 đã xác minh làm rõ, bắt giữ các đối tượng, thu hồi tài sản.

Thượng tá Phan Cao Thu, Phó trưởng phòng PC15 Công an Hà Nội: Cung cấp sớm thông tin cho cơ quan Công an khi phát hiện nghi vấn

UBND TP Hà Nội hàng năm đều công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng và giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư cùng một số sở liên quan làm đầu mối để kêu gọi đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước. Vì vậy, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu nên tìm hiểu thông tin tại các cơ quan này. Cơ quan điều tra Công an Hà Nội cũng khuyến cáo, hiện nay các sàn giao dịch bất động sản đã và đang hoạt động, mọi thủ tục mua bán, tìm chủ đầu tư thứ cấp hoặc các hoạt động gọi vốn vào các dự án cần thực hiện qua sàn. Trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch là phải xác định tính hợp pháp của các dự án được giao dịch trên sàn. Đây là địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư tìm đến. Ngoài tìm hiểu tính pháp lý của các dự án, quá trình giao dịch với những đối tượng mời chào thuê, đầu tư dự án, cần thẩm định thân nhân của họ, chức năng hoạt động của công ty... Khi phát hiện những dấu hiệu nghi vấn, cần thông tin tới cơ quan chức năng để làm rõ, phòng ngừa tội phạm.

Nhận biết giấy tờ giả như thế nào?

Trung tá Nguyễn Xuân Huy, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội cho biết, qua phân tích, giám định các vụ giả mạo văn bản, con dấu, chữ ký để lừa đảo cho thấy các đối tượng thường sử dụng chữ ký và hình dấu thật trong một văn bản có thật, dùng phương pháp can lại, đưa vào văn bản giả, sử dụng in phun màu khiến nhiều người nhầm tưởng là văn bản thật khi thấy "dấu đỏ". Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ phát hiện các chi tiết in không sắc nét, các đối tượng thường ép plastic để che giấu dấu vết cắt ghép trong quá trình làm giả. Để nghiêng sẽ không thấy hình nổi và vết hằn của lực tì ấn khi ký và đóng dấu. Trong vụ án Triệu Tài Lâm, đối tượng mặc dù trực tiếp ký trên văn bản nhưng mẫu chữ ký hoàn toàn khác so với chữ ký thật.

Hương Vũ
.
.
.