Lãi suất giảm 'bẩy' thị trường bất động sản khởi sắc

Thứ Sáu, 01/05/2015, 07:11
Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay hạ, khiến dòng tiền vốn đang dồn ứ chảy vào thị trường bất động sản (BĐS). Các chuyên gia cho rằng đây là đòn bẩy quan trọng giúp thị trường nhà đất khởi sắc trong năm nay.

Nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản

Bắt đầu từ cuối năm 2014 và bước sang đầu năm 2015, mặt bằng lãi suất liên tục giảm. Đáng chú ý, sự sụt giảm mạnh mẽ diễn ra từ tháng 3 đến nay. Ví dụ bắt đầu từ ngày 9/3, Techcombank đã áp dụng biểu lãi suất mới, điều chỉnh tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước. Đến ngày 10-3, Eximbank cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng giảm về 6,1%/năm.

Tiếp theo, ngày 11/3, Sacombank cũng đã hạ lãi suất ở một số kỳ hạn, đưa kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,7%/năm. Hiện mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng thấp nhất trên thị trường được ghi nhận chỉ còn 4%/năm tại Vietcombank và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được kéo về dưới 6%/năm. Ngoài ra, có thể điểm danh hàng loạt nhà băng khác như VietinBank, Agribank, DongA Bank... đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng giảm từ 0,1-0,5%/năm ở cả kỳ hạn ngắn cũng như kỳ hạn dài.

Đánh giá về tác động khi các ngân hàng (NH) giảm lãi suất tới thị trường BĐS, TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Học viện Tài chính cho rằng việc này sẽ có tác động tốt đến thị trường nhà đất.

Thị trường bất động sản đang ấm dần nhờ tín dụng tăng.

“Một là, với mặt bằng lãi suất hiện nay thì dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng “chảy” vào BĐS. Và đây cũng chính là yếu tố khiến cho tính thanh khoản thị trường BĐS đạt mức khá cao trong thời gian vừa qua. Hai là, lãi vay hiện nay cũng “dễ thở” hơn rất nhiều cho tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường, bao gồm cả cá nhân mua nhà tới doanh nghiệp. Các NH liên tục tung ra các chương trình cho vay ưu đãi nhắm vào người mua nhà. Ba là, hạ lãi suất cho vay, đặc biệt có những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực BĐS đã góp phần tháo gỡ vướng mắc, khơi thông dòng vốn cho thị trường bấy lâu nay đang bị tắc nghẽn”- TS Nga nhận định. Tuy nhiên, theo TS Nga, việc hạ lãi suất sẽ chỉ tác động từng bước, chứ không có hiệu ứng ngay lập tức như thị trường chứng khoán hay một số thị trường khác.

Cùng chung nhận định, T.S Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, khi mặt bằng lãi suất huy động hạ xuống mức thấp kỷ lục, với kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 4%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng khoảng 6,2%, thì sẽ là cơ hội để thị trường BĐS đón nhận dòng tiền vốn đang luẩn quẩn từ trước đó.

Ngoài 3 yếu tố như phân tích của TS Nga, ông Lê Xuân Nghĩa còn cho rằng thị trường BĐS còn được hỗ trợ bởi nhiều dòng vốn khác, và cũng đang có xu hướng tăng lên rõ rệt như FDI và kiều hối. Cùng với đó, năm 2015, BĐS còn có sự tác động từ một số chính sách mới quan trọng. Đó là Thông tư 36 có hiệu lực từ 1-2-2015, trong đó giảm hệ số rủi ro cho vay BĐS xuống còn 150% từ mức 250%; gói 30.000 tỷ sẽ tiếp tục được giải ngân; hàng loạt những chính sách mới hỗ trợ như cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS, dự kiến sẽ có gói 50.000 tỷ cho nhà ở thương mại,…

Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh tư nhân hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, các hiệp định FTA song phương, đa phương, TPP đã và sắp ký kết…

Phân khúc bình dân vẫn là chủ đạo

Qua số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch BĐS trong tháng 3-2015 và quý I - 2015 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, trong tháng 3 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng 25% so với tháng 2.

Cả quý I-2015 có 4.250 giao dịch thành công (gấp gần 3 lần số giao dịch thành công của quý I-2014). Còn tại TP HCM, số giao dịch thành công cũng đạt ở mức cao 3.950 giao dịch trong quý 1-2015 (tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước), riêng tháng 3 đạt 1.400 giao dịch. Lượng BĐS tồn kho tính đến cuối tháng 3 giảm gần 58 nghìn tỷ đồng so với quý I-2013, còn khoảng trên 70,7 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, sự khởi sắc của thị trường BĐS còn thể hiện thông qua sự tăng giá của một số dự án. Ví dụ như dự án Helios Tower (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tăng khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/m2, dự án Home City Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tăng khoảng 2-3 triệu đồng/m2... Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập trong quý I năm nay tăng đột biến. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong quý I - 2015, số doanh nghiệp được thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 50% so với quý I-2014 (riêng hai tháng đầu năm có mức tăng mạnh lên đến 89%)…

Phân tích, dự báo về viễn cảnh của thị trường BĐS, TS. Trần Kim Chung- chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xu thế thị trường phục hồi là rõ ràng. Có thể có một chu kỳ mới hình thành và xuất hiện.

Năm 2015, một số luồng tiền từ hệ thống NHTM cho thị trường BĐS như từ gói 30 nghìn tỷ đồng, tiền các NH giải ngân cho thị trường BĐS thông qua tăng dư nợ tín dụng... đã được xác định. Thực tế, cùng với các chương trình ưu đãi lãi suất của các NHTM, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang ráo triết đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ, trong đó liên tục mở rộng danh sách các nhà băng được tham gia giải ngân vốn.

Từ 5 NH ban đầu, đến nay đã có 19 NH được tham gia cho vay hỗ trợ theo gói 30 nghìn tỷ… Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam, phân khúc bình dân vẫn sẽ là chủ đạo của thị trường, trong đó các dự án khu vực nội đô với mức giá dao động từ 20-27 triệu đồng/m2 và khu vực ngoại đô với mức giá dao động 15-17 triệu đồng/m2. Ở phân khúc này, khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Cũng trong năm 2015, phân khúc các căn hộ cao cấp sẽ có giao dịch tăng trở lại, dự báo sẽ có sự đột biến.   

      

Thủ tướng Chính phủ: “Không để bong bóng bất động sản tái xuất”

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cuối tháng 4. Bên cạnh các chỉ đạo về kinh tế vĩ mô và hàng loạt vấn đề khác, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước phải có các giải pháp bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

“Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” BĐS mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý”, Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường BĐS đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào BĐS đã tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM: “Kiều hối đang chảy vào bất động sản”

“Với 11 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay, dòng kiều hối đang có xu hướng dịch chuyển sang thị trường BĐS, sau một thời gian dài thị trường này đóng băng và giao dịch trầm lắng. Thực tế cho thấy, BĐS từng là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất trong năm 2011, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối. Vì vậy, sự trở lại của dòng kiều hối trong lĩnh vực BĐS là hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường này đang có dấu hiệu ấm dần”.

Lệ Thúy
.
.
.