Khẩn trương khắc phục tồn tại ở nhà tái định cư

Thứ Hai, 17/11/2014, 08:36
Trong khi cơ quan nhà nước “kêu” nhiều khó khăn thì cư dân tại các khu nhà tái định cư ở Hà Nội đang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, lãnh đạo TP đã “chốt” thời điểm khắc phục tồn tại ở chung cư tái định cư. Liệu “cảnh khổ ở nhà tái định cư” có còn tiếp diễn?
>> Nước sạch tại nhiều khu chung cư tại Hà Nội… vẫn bẩn

“Sống trong sợ hãi”

Đưa vào sử dụng từ tháng 8/2005, hiện nay nhiều hạng mục của Nhà A1 khu tái định cư (TĐC) Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuống cấp nghiệm trọng. Đặc biệt, khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều hạng mục công trình của tòa nhà đã xuống cấp như tường một số nơi đã nứt toác, bong tróc, thấm dột, sàn gạch vỡ, mất nước sinh hoạt liên tục, thang máy hỏng… Kể từ năm 2012, chất lượng tòa nhà còn xập xệ hơn do khu dịch vụ cho thuê của tầng 1 tòa nhà xảy ra hiện tượng sụt lún, nứt. Đến mức, cư dân ở đây luôn phải “sống trong sợ hãi” dãy dịch vụ dưới tầng 1 có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Không chỉ khu TĐC Đền Lừ, tại Hà Nội hiện còn có rất nhiều khu TĐC khác cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc không có người ở, sử dụng sai mục đích nhưng vẫn không hề được xử lý như: Tứ Hiệp, Thanh Trì; khu TĐC Dịch Vọng, Cầu Giấy...

Tự nguyện di dời chỗ ở để nhường đất cho dự án nhưng nhiều người dân Hà Nội đang phải sống trong cảnh khốn khổ tại các khu nhà TĐC. Ảnh: Khu TĐC Đền Lừ đã quá xập xệ.

Về lý thuyết, các khu TĐC phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không dự án TĐC nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên. Ngược lại, nếu tìm trên báo chí với từ khóa “nhà TĐC”, bộ máy tìm kiếm sẽ trả lại những kết quả như: Chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, yếu mọi mặt, không được quản lý chặt chẽ... “Tiếng kêu” của cư dân khu TĐC Đền Lừ đã “lên tới Trung ương”. Cuối tháng 10/2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân và sớm có biện pháp sửa chữa, khắc phục hiện trạng lún gây hư hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật các tòa nhà từ A1 đến A5 khu TĐC Đền Lừ 2. Đồng thời Bộ Xây dựng cũng yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm tra đối với các dự án nhà TĐC, nhà xã hội trên địa bàn TP, để có biện pháp khắc phục kịp thời khi phát hiện hư hỏng (nếu có). Tiếp đó, UBND TP Hà Nội đã gửi công văn nhắc nhở về việc sửa chữa một số hư hỏng tại dự án Đền Lừ 2…

… Vẫn là lỗi khách quan

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 155 tòa nhà với 13.487 căn hộ đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV và Phát triển nhà để quản lý. Riêng khu vực Nam Trung Yên có 18 tòa nhà với 2.204 căn hộ, UBND TP giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội quản lý. Hiện, quỹ nhà này đã cơ bản được bố trí hết cho các dự án phục vụ công tác GPMB trên địa bàn TP.

Nêu ý kiến về chất lượng sống tại các khu nhà TĐC, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, do yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết bố trí nhà TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của TP, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế công lập… đã phải bố trí cho các hộ dân vào ở. Bên cạnh đó, một số dự án khu chung cư TĐC được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001, chưa tính đủ diện tích để bố trí cho mục đích phục vụ sinh hoạt cộng đồng, diện tích để xe tại tầng 1 ở một số tòa nhà hiện không đáp ứng được nhu cầu… Những bất cập này (chưa kể tình trạng nhà xuống cấp) đang hằng ngày, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ dân đến ở TĐC đồng thời “ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư TĐC” như lời vị đại diện Sở Xây dựng.

Còn lý giải về những khó khăn trong cải tạo nhà TĐC, lãnh đạo Sở Xây dựng viện dẫn, việc quản lý nhà chung cư TĐC hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc do chưa có văn bản pháp luật quy định riêng về công tác quản lý sử dụng. Bên cạnh đó, việc bầu Ban quản trị nhà chung cư còn chưa nhiều, hiện chỉ có 14 Ban quản trị tại 16 tòa chung cư trên tổng số 155 tòa đã đưa vào sử dụng trước năm 2014. Một lãnh đạo Sở này nói, việc thu kinh phí đóng góp theo quy định của người dân tại các khu chung cư TĐC còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì tòa nhà…

Khắc phục tồn tại các khu nhà TĐC trước Tết

Trực tiếp xuống kiểm tra tại một số nhà TĐC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã được nghe phản ánh cũng như chứng kiến tận mắt sự xập xệ tại đây. Trong buổi làm việc với các đơn vị về quản lý và sửa chữa các nhà TĐC, ông Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng phải đôn đốc các ngành, đơn vị tổng rà soát, phân loại và có quy trình, quy định vận hành, quản lý từng nhà, từng khu cho phù hợp với nguồn gốc hình thành và “lên phương án sửa chữa, hoàn thiện những bất cập đang tồn tại ở các chung cư TĐC”. Sở Xây dựng phải phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương thức quản lý tài sản nhà nước một cách tốt nhất theo hướng dịch vụ công ích, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý chung cư và định mức quản lý thu phí dịch vụ của dân. Việc thu chi phải đảm bảo công khai minh bạch.

Ủy ban nhân dân TP Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục những tồn tại ở các khu tái định cư trước Tết Nguyên đán 2015.

Trước mắt, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí để khắc phục những tồn tại hiện có tại các khu chung cư TĐC, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015 để nhân dân vui Tết đón Xuân

Chi Linh
.
.
.