Hãy trả lại dòng chảy vốn có của sông Hàn

Thứ Tư, 08/05/2019, 07:24
Sáng 7-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện dự án Bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex), do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.


Tại hội nghị, 14 tham luận được trình bày, hoặc gửi tới hội nghị, đều thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau về tác động dự án Marina Complex và nhiều dự án khác ven sông Hàn.

Tựu trung, hầu hết ý kiến phản biện đều không đồng tình với các dự án lấn sông Hàn. Theo các KTS Phan Đức Hải và Hồ Phước Phương, sau 20 năm trước “sức nóng” của đô thị hóa, sông Hàn đã bị chèn ép bởi nhiều dự án manh mún, bởi tư duy quy hoạch ngắn hạn. Cửa sông Hàn năm 2002 rộng 700m, đến năm 2013 bị thu hẹp còn 560m và hiện nay chỉ còn 500m, hướng từ 2 điểm gần nhất. 

Một góc dự án Marina Complex.

Dự án Marina Complex tiếp tục làm thu hẹp lòng sông thêm từ 600-100m; hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác tạo cảnh quan dòng sông xấu đi. Việc Sở Xây dựng khẳng định dự án BĐS và bến du thuyền không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ là chưa thỏa đáng. Nên biết sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt. Phía cửa sông Hàn ban đầu rộng 700m, song qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, thì vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông… 

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, giảng viên cao cấp, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã xây dựng mô hình toán học với nhiều tham số và dữ liệu để tính toán tác động của dự án Marina Complex đối với dòng chảy sông Hàn. Kết quả mà ông đưa ra là việc xây dựng bến du thuyền sẽ  ảnh hưởng đến việc thoát lũ sông Hàn; làm dâng mực nước lũ thượng lưu. Việc ngăn cản dòng chảy mùa lũ, làm dâng mực nước lũ thượng lưu bến du thuyền này phụ thuộc vào hình dáng, kích cở của khu đất lấn sông. 

GS.TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đã có nhiều dự án được xây dựng cản trở dòng chảy sông Hàn; đề nghị cần di chuyển các tảng đá, bê tông ngầm gây cản trở dòng chảy ở gần mố cầu Thuận Phước. Đồng tình với các quan điểm trên, ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật đánh giá, sông Hàn có vị trí vô cùng quan trọng về du lịch và môi trường sống của người dân Đà Nẵng. Dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó, có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu dài. 

“Đây không phải là lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay đồng bằng sông Cửu Long và những bài học về hậu quả của việc lấn sông vẫn còn đó. Đà Nẵng đang lập kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung, lãnh đạo TP cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được, mất để điều chỉnh không chỉ dự án này mà các dự án ở hai bên bờ sông Hàn khác”, ông Thiết nói.

Cũng theo ông Trần Văn Thiết, phản ứng của dư luận, của người dân đối với các dự án lấn sông Hàn, không chỉ là lo ngại về ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, mà còn vì cảnh quan ven sông - một không gian công cộng duy nhất còn lại đang bị tư hữu hóa và xây dựng các biệt thự và chung cư cao cấp. Vì vậy, phần đất định khai thác BĐS nên trả lại cho cộng đồng làm công viên ven sông. 

Ông Thiết nhìn nhận, TP Đà Nẵng đang thiếu nhiều không gian cây xanh nên việc xây dựng bờ đông sông Hàn là cơ hội tăng mảng xanh, tăng không gian công cộng, tạo không gian giao tiếp và hưởng thụ mặt nước cho người dân. Mặc khác trong tương lai không xa, TP cần cây cầu qua sông tại khu vực này thì sẽ còn rất nhiều biến động nữa. Rất mong chính quyền cần xem xét rộng hơn, bao quát hơn vì sự phát triển TP hiện tại và cho tương lai, không nên xây dựng các công trình như dự kiến. Tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể mà trong đó chính quyền cân bằng giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư… 

Là một cán bộ, một người làm công tác nghiên cứu và gắn bó cuộc đời với quê hương Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cũng bày tỏ lo ngại trước các dự án lấn sông Hàn. Việc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng và một số ý kiến dựa vào bờ kè đá do người Pháp trước đây xây dựng ở cửa sông Hàn gắn với việc xây bờ kè lấn sông Hàn hàng vạn mét vuông của dự án Marina Complex, ông Huỳnh Văn Tiếng cho rằng, đó là sự “biện minh” khó chấp nhận. 

Theo ông Tiếng, động cơ của người Pháp xây hai bờ Đá Giăng là để trị thủy chứ không phải để tăng quỹ đất. Ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam phân tích: “Hai kè này chỉ mang tính chất dẫn dòng. Cảng Tiên Sa hơn những cảng khác nhờ hai con đê này đã nạo vét theo lực chảy tự nhiên. Nếu lấy chuyện hai kè đê này để nói tới việc xây kè lấn sông là sai hoàn toàn”.

Trong bài phản biện gửi tới hội nghị, nhà văn Bùi Công Dụng không nêu ý kiến phản biện đối với riêng các dự án này mà phản biện đối với tất cả các dự án BĐS đã, đang và sẽ triển khai lấn sông Hàn và sông Cổ Cò. 

Ông Dụng nhấn mạnh, những dự án BĐS lấn suốt chiều dài sông Hàn, sông Cổ Cò hoàn toàn đi ngược với định hướng phát triển Đà Nẵng của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu tại Nghị quyết số 43 NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lựa chọn quỹ đất để phát triển mà phải lấn sông Hàn, sông Cổ Cò như thời gian qua, thì việc phát triển đó là quá tùy tiện, không theo quy hoạch, thiếu sự kết nối giữa các dự án. Chọn lấn sông để tăng quỹ đất phân lô bán nền là việc làm thiếu khoa học, không phù hợp với tinh thần đánh giá môi trường chiến lược ứng phó biến đối khí hậu và nước biển dâng…

Dẫn Điều 9, Luật Tài nguyên nước năm 2012, nhà văn Bùi Công Dụng cho rằng, việc xậy dựng các dự án lấn sông là vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, ông Dụng đề xuất thu hồi những dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư dự án Marina Complex và một số dự án khác có mặt tại hội thảo đều khẳng định dự án của mình đảm bảo tính pháp lý. 

Một số ý kiến khác cũng không đồng tình việc dừng hoặc thu hồi dự án mà các doanh nghiệp đang triển khai. Ý kiến trung dung được đưa ra là vẫn giữ các dự án, nhưng tiếp tục tăng diện tích sử dụng cho mục đích công cộng, đảm bảo quyền tiếp cận bờ sông cửa người dân, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng và lợi ích của chủ đầu tư.

Kết luận hội nghị, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến trên cơ sở trung thực và khách quan, công tâm vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng. Các ý kiến tham luận sẽ được gửi đến lãnh đạo và ngành chức năng của TP xem xét, nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất đối với dự án Marina Complex cũng như các dự án khác ven sông Hàn.

Một góc dự án Marina Complex.
Thân Lai
.
.
.