Đất dự án để hoang, quyền lợi người dân bị “treo” đến bao giờ?

Thứ Ba, 23/07/2019, 08:29
Thông tin UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận xóa 180 dự án chậm triển khai (dự án treo), tổng diện tích khoảng 812ha do Sở TN&MT đề xuất vào cuối năm ngoái khiến nhiều người dân trông chờ. Tuy nhiên, thời điểm này, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn vẫn còn hàng ngàn hécta đất nằm trong các khu vực quy hoạch “treo” lơ lửng nhiều năm khiến không ít người dân bức xúc.


Quyền lợi về tài sản bị “treo”, nhà dột nát không được sửa chữa nâng cấp, đất bỏ hoang hóa nhưng không thể đầu tư kinh doanh… càng khiến cuộc sống của những người trong khu vực dự án “treo” thêm khốn khó.

Người dân trong khu quy hoạch dự án Khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn phản ánh, dự án này đã “treo”  hơn 20 năm. Các hộ dân ở đây không được tách thửa, xây mới nhà ở cho con ra ở riêng, nhà xuống cấp muốn sửa chữa cũng khó khăn…

Khi người dân bức xúc, thắc mắc, UBND huyện Hóc Môn cho biết theo chỉ đạo của thành phố, ngày 2-8-2016, UBND huyện đã có văn bản cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án này thành... dự án khu dân cư. Hơn 4 tháng sau đó, ngày 30-12-2016, huyện Hóc Môn có văn bản gửi UBND thành phố và các sở, ngành liên quan về việc đăng ký bổ sung nguồn vốn sự nghiệp năm 2017 cho đồ án cụm dân cư nông thôn xã Xuân Thới Thượng. Và người dân hiện vẫn phải chờ xây dựng, phê duyệt đồ án quy hoạch khu dân cư nông thôn từ đó đến nay.

Một dự án “treo” khiến đất bị bỏ hoang hóa.

Đối với việc cấp giấy phép xây dựng trong khu vực này, UBND huyện Hóc Môn cho rằng nếu người dân có giấy tờ pháp lý về nhà đất để đảm bảo theo quy định, địa phương vẫn giải quyết cấp phép cho người dân. Phản ứng trước quy định kiểu đánh đố trên, ông Tư Hòa, một người dân ở đây đặt câu hỏi: “Dự án đã treo hơn 20 năm, đất vườn của dân mà muốn tách thửa còn không được, làm sao được lên thổ cư để đủ điều kiện được cấp phép xây dựng?”. 

Cũng tại huyện Hóc Môn, dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế nằm trong Khu đô thị Tây Bắc đến nay vẫn “treo” việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) của người dân. Trong khi đó, ngày 12-7-2018 HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, trong đó có dự án này.

Sau gần 1 năm rà soát tính pháp lý, nguồn gốc dự án, ngày 5-6 vừa qua, UBND thành phố mới chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam tiếp tục thực hiện việc bồi thường, GPMB và hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện dự án. Theo cam kết của chủ đầu tư, ít nhất cũng phải 2 năm nữa dự án mới có thể hoàn thành công tác bồi thường, GPMB.

Ở huyện Củ Chi, quy hoạch KCN Bàu Đưng tại xã An Nhơn Tây với diện tích 175ha bị “treo” từ năm 2008, nay đã được thành phố đề nghị chuyển thành... khu dân cư. Tuy vậy, hiện 182 hộ dân trong phạm vi dự án vẫn bị hạn chế các quyền lợi của người sở hữu nhà và quản lý sử dụng đất. Đất không được tách thửa hoặc được chuyển mục đích sử dụng; nhà cửa xuống cấp xập xệ không có điều kiện để sửa chữa, những người nông dân ở đây phải bỏ đất hoang hóa hoặc trồng trọt những loại hoa màu tạm bợ khiến cuộc sống càng thêm khó khăn.

Trong khi đó, Ban Quản lý các KCX- KCN thành phố cho biết, quy hoạch KCN Bàu Đưng đã được UBND thành phố giao huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới theo hướng điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất công nghiệp để xóa “treo”. Đến nay Ban Quản lý các KCX - KCN vẫn đang phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho thành phố trình Trung ương để xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch.

Trên địa bàn huyện Bình Chánh, các hộ dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Dự án khu đô thị Sing - Việt ở xã Lê Minh Xuân đã bị “treo” hơn 21 năm qua. Bà Liễu, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho hay, ngoài việc chậm bồi thường, giá bồi thường không thỏa đáng gây khó khăn cho cuộc sống người dân.

Thông tin về dự án này, UBND huyện Bình Chánh cho biết, quy mô dự án lên đến hơn 331ha với 699 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó đất ở có 246 trường hợp với diện tích 21,6ha, gồm 245 hộ bị giải tỏa trắng và hiện cũng mới chỉ có 55 hộ nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng. Tổng số tiền chủ đầu tư dự án còn phải tiếp tục chuyển cho ban bồi thường để chi trả người dân lên đến hơn 268 tỉ đồng.

Phần diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi cho dự án, theo UBND huyện Bình Chánh, thì còn liên quan đến 297 hộ dân với diện tích 243ha và hiện vẫn còn 32 hộ với tổng diện tích gần 25ha chưa đồng ý nhận bồi thường, bàn giao đất.

Tuy đã chuẩn bị đủ số nền đất, căn hộ để phục vụ tái định cư, nhưng đến nay huyện Bình Chánh vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm về giá bồi thường để những hộ dân còn lại đồng ý bàn giao mặt bằng. Cũng tại huyện Bình Chánh, dự án Làng đại học trên địa bàn xã Hưng Long đã kéo dài nhiều năm.

Theo Ban Quản lý Khu Nam, để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, cách đây 1 năm, ngày 11-6-2018 UBND thành phố đã chỉ đạo hướng tháo gỡ. Theo đó, với nhóm các dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, sẽ cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất nhưng kèm theo điều kiện là phải tuân thủ quy hoạch được duyệt và trình Thường trực UBND thành phố xem xét cụ thể từng trường hợp.

Thành phố cũng đã đồng ý cho phép người sử dụng đất nông nghiệp trong khu quy hoạch đất hỗn hợp chưa có dự án triển khai được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng đô thị. Quy định đã khó, cơ chế chưa có nên đến nay không mấy hộ dân trong phạm vi dự án được tách thửa, được sửa chữa, xây dựng và yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh để đảm bảo cuộc sống…

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các dự án “treo”, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đề nghị, những dự án đã quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, thành phố cần cho phép người dân được cải tạo, sửa chữa nhà ở; đầu tư kinh doanh buôn bán có thời hạn với sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của địa phương. Việc này cũng sẽ giúp kéo giảm bức xúc, khiếu kiện của người dân trong các dự án “treo” đối với các cấp chính quyền thành phố.
Bảo Sơn
.
.
.