Hạn chế quyền chuyển nhượng của chủ sở hữu chỗ đậu ôtô trong tòa nhà chung cư?

Thứ Ba, 22/03/2016, 16:28
Bày tỏ sự đồng tình với Bộ Xây dựng trong việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 2-4 sắp tới, nhưng Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh vẫn cho rằng còn một số nội dung bất cập hoặc chưa phù hợp các quy định hiện nay.

Chẳng hạn, về quyền chuyển nhượng, cho thuê đối với chỗ để xe ôtô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư, thì quy định: "người mua chỗ để xe ôtô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này chỉ được chuyển nhượng, cho thuê trong nội bộ các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư…" vô tình đã hạn chế quyền của chủ sở hữu nhà chung cư đang sở hữu chỗ để xe ôtô và tạo lợi thế hơn cho chủ đầu tư. 

Bởi với chung cư có 100 căn hộ, có 10 chỗ để xe ôtô nhưng chỉ có 8 hộ sở hữu chung cư mua 8 chỗ để xe ôtô, 2 hộ còn lại không mua nên 2 chỗ để xe ôtô còn lại này đương nhiên thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Sau một thời gian, lại có thêm 2 chủ sở hữu chung cư bán lại chỗ để xe ôtô, khi đó sẽ xảy ra khả năng cả 2 chỗ để xe ôtô này sẽ tiếp tục được chủ đầu tư mua để bán, cho thuê lại với người bên ngoài chung cư. Do đó cần thiết phải có sự điều chỉnh với vấn đề này.

 Thực tế ở một số chung cư cao cấp, mỗi chỗ để xe ôtô có thể giá trị đến một vài tỷ đồng nên đây là tài sản lớn của người sở hữu. Do đó, Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, để đảm bảo quyền của người chủ sở hữu chỗ để xe ôtô trong chung cư, cần quy định người mua chỗ để xe ôtô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì phải ưu tiên chuyển nhượng hoặc cho các chủ sở hữu là người đang sử dụng nhà chung cư đó thuê. Khi  các đối tượng này không có nhu cầu mua hay thuê thì được quyền chuyển nhượng, cho thuê với người có nhu cầu ngoài chung cư.

Việc xác định chính xác chỗ đầu xe ngay từ đầu cũng sẽ tránh được rắc rối về sau.

Để tránh trường hợp chủ đầu tư dây dưa, lần khan kéo dài việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, Hiệp hội BĐS thành phố cũng đề nghị cần quy định:  Trường hợp triệu tập hội nghị lần đầu mà không đủ 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ cùng dự, việc triệu tập hội nghị lần thứ 2 không kéo dài quá 30 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị lần đầu không thành. Nếu hội nghị lần thứ 2 vẫn không đủ số người tham dự theo quy định, sau đó 7 ngày chủ đầu tư phải đề nghị UBND xã, phường, thị trấn, nơi có nhà chung cư dứng ra tổ chức hội nghị.

Về yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư, theo Hiệp hội BĐS thành phố, việc quy định "thành viên ban quản trị  chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó" là không phù hợp với thực tế. Lý do tại nhiều chung cư cao cấp có đến 80-90% chủ sở hữu mua căn hộ để cho thuê. Nếu quy định phải là chủ hộ đang sử dụng nhà chung cư đó thì vô hình chung đã tước đi quyền của một số chủ sở hữu chung cư không trực tiếp sinh sống tại chung cư đó tham gia thành viên ban quản trị.

Về diện tích căn hộ để tính giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, quy định diện tích thông thủy căn hộ là cơ sở tính giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận "thì diện tích làm cơ sở để tính kinh phí quản lý vận hành là diện tích ghi trong giấy chứng nhận" là không trùng khớp với nhau.

Bởi theo các quy định của Bộ Xây dựng, trước ngày 15-10-2010, diện tích căn hộ ghi trong giấy chứng nhận được tính theo tim tường, còn từ ngày 15-10-2010 đến ngày 8-4- 2014 lại có hai cách tính diện tích căn hộ hoặc theo tim tường hoặc theo thông thủy.

Từ ngày 8-4-2014 đến nay Bộ Xây dựng đã thống nhất tính diện tích căn hộ theo thông thủy. Từ đó, để tránh xảy ra thiệt thòi khi tính phí quản lý vận hành chung cư đối với những căn hộ tính diện tích theo tim tường so với căn hộ tính theo thông thủy trong cùng tòa nhà, cần xem xét cả đến vấn đề này.

Đ.Thắng
.
.
.