Hài hòa lợi ích khi giải tỏa nhà ven kênh, rạch

Chủ Nhật, 25/09/2016, 08:40
Sau hơn 20 năm thực hiện chương trình di dời, giải tỏa nhà lụp xụp trên và ven kênh, rạch, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có thể tiến hành giải tỏa, di dời được tổng cộng 35,6 ngàn căn, tức bình quân mỗi năm chỉ giải quyết được gần 1,8 ngàn căn.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng thành phố, ngoài 67 tuyến kênh, rạch chưa thống kê được số lượng nhà nằm trong tình trạng này do chưa cắm mốc hành lang an toàn, hiện trên địa bàn vẫn còn đến 17 ngàn căn nhà lụp xụp trên và ven các tuyến kênh, rạch.

Những ngôi nhà có thể sụp đổ do phương tiện thủy lưu thông tạo ra.

Do đó với tốc độ như vậy, ít nhất cũng phải mất hàng chục năm nữa thành phố mới có thể giải tỏa hết số lượng nhà trên. Tính toán của Sở Xây dựng còn cho thấy, chỉ với việc di dời 11.600 hộ sống dọc các tuyến kênh, rạch lớn, đang có dự án chỉnh trang đô thị, nạo vét tiêu thoát nước, cải thiện ô nhiễm môi trường như kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; công viên bờ kênh Tẻ; rạch Hàng Bàng, Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa... trong vòng 5 năm tới, ngân sách đã phải chi tới 12.400 tỷ đồng để đền bù, giải tỏa.

Trong khi vấn đề tiêu thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường với các tuyến kênh, rạch trên địa bàn bức xúc từng ngày thì để bố trí được lượng vốn trên đối với ngân sách là vấn đề không đơn giản. Sau thời gian mời gọi xã hội hóa, gần đây Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã đề xuất với chính quyền thành phố cho phép tự bỏ vốn đầu tư di dời, giải tỏa nhà trên và ven tuyến kênh Đôi ở quận 8 trong vòng 5 năm.

Phương án được DN đưa ra để giải tỏa, di dời 5.352 hộ dân với 32.000 nhân khẩu sống trên và ven kênh Đôi là người dân bị giải tỏa sẽ được bố trí nhà tái định cư hoặc được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới. Tính toán của DN này cho thấy, khi di dời hết số hộ dân trên, diện tích đất được thu hồi sẽ đạt trên 200.000m² trong khi tổng vốn đầu tư cho phương án này lên tới hơn 9.230 tỷ đồng.

Nếu thành phố xác định chỉ giải tỏa hành lang bảo vệ kênh trong phạm vi 30m, diện tích đất thu hồi được sẽ chỉ còn hơn 120.000m² và số tiền đầu tư cũng giảm còn hơn 7.360 tỉ đồng, gồm cả chi phí bồi thường và chỉnh trang. Để thực hiện dự án, nhà đầu tư này cam kết sẽ huy động vốn để thực hiện theo hình thức đối tác công - tư. Việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ được tính toán theo nguyên tắc thành phố cho phép nhà đầu tư được sử dụng quỹ đất thu hồi.

Nếu giá trị quỹ đất thu được sau giải tỏa thấp hơn giá trị đầu tư, thành phố sẽ chỉ định một số khu đất ở nơi khác, dự án khác để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc chi trả bằng ngân sách. Sau khi di dời các hộ dân, tuyến kênh này sẽ được chỉnh trang, làm sạch. Những khu đất ven kênh được tận dụng làm công viên cây xanh, xây nhà tái định cư tại chỗ cho người dân hoặc nhà ở thương mại.

Mặc dù việc giải tỏa tuyến kênh Đôi nói riêng và các tuyến kênh, rạch khác trên địa bàn nói chung là việc phải làm cấp thiết, phương án do nhà đầu tư đưa ra là một giải pháp giúp thúc đẩy nhanh chương trình giải tỏa nhà ven kênh, rạch. Nhưng các con số cụ thể do nhà đầu tư đưa ra vẫn cần phải được đánh giá lại một cách cụ thể.

Trước khi triển khai dự án này, thành phố cũng cần khảo sát, lấy ý kiến từng hộ dân để tránh tình trạng phát sinh tranh chấp kéo dài về sau cũng như đánh giá những tác động, làm sao để người dân về nơi ở mới thực sự có cuộc sống tốt hơn những ngày sống chung với “hà bá” ven kênh nước đen.

Đ.Thắng
.
.
.