“Đảo ngọc” Phú Quốc, ngày “nóng” đã qua?

Hạ “hỏa”, mong đất lành - Kỳ cuối

Chủ Nhật, 13/05/2018, 09:36
Bên cạnh sự thay da, đổi thịt do chủ trương mời gọi đầu tư mang lại nơi “đất lành” này, có một thực tế ai cũng nhìn nhận thấy, chuyện mua bán đất đai những ngày qua đã khiến cho “đảo ngọc” Phú Quốc khác đi rất nhiều so với trước.


Sai phạm của cán bộ tại Phú Quốc từ sau vụ án liên quan đến ông Đỗ Tố, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cùng hàng loạt cán bộ cách nay trên 15 năm vẫn còn âm ỉ. Minh chứng là sau vụ việc này, đến nay, đã có thêm nhiều cán bộ phải trả giá đắt do sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai trên đảo. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với chuyện đất ở Phú Quốc không còn phức tạp nữa mà ngược lại… 

Bên cạnh sự thay da, đổi thịt do chủ trương mời gọi đầu tư mang lại nơi “đất lành” này, có một thực tế ai cũng nhìn nhận thấy, chuyện mua bán đất đai những ngày qua đã khiến cho “đảo ngọc” khác đi rất nhiều so với trước.

Hơn chục năm trước, ngay tại thị trấn Dương Đông – trung tâm huyện lỵ của Phú Quốc, tầm 7-8 giờ tối, ra đường đã thấy người và phương tiện giao thông lèo tèo. Ban ngày, gọi và loay hoay đứng chờ vài ba chục phút may ra mới được chiếc taxi đến đón. 

Giờ thì khác hàng trăm, hàng ngàn lần. Taxi hàng chục hãng, xe ôtô của cá nhân, doanh nghiệp tăng từng ngày, gần đây thêm xe của “cò”, người trong đất liền đem cả xe đắt tiền theo phà biển Thạnh Thới (xuất bến từ thị xã Hà Tiên) ra đảo ăn dầm nằm dề để “săn” đất khiến cho đảo này nhộn nhịp hẳn lên. 

Người Phú Quốc chưa từng thấy đảo mình có chuyện kẹt xe, vậy mà những ngày “sốt đất” vừa qua đã có. Không chỉ ngay giao lộ ngã năm tại trung tâm thị trấn Dương Đông vào giờ cao điểm mà trên đoạn đường 30-4 và Nguyễn Trung Trực đi qua hai văn phòng công chứng (số 1 và số 2) cũng thường xuyên ùn tắc do lượng ôtô đậu hai bên quá nhiều. 

Công an huyện cho biết, hiện đảo đã có khoảng 6.000 ôtô và 80.000 mô tô đăng ký lưu hành, số xe trong đất liền mang ra chưa thống kê được…

Đất phân lô bán nền trên đường tuyến tránh thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc.

Phú Quốc bốn bề là biển, đi vào trong là rất nhiều sông, suối, đồi núi. Trước đây, đảo này chưa bao giờ bị ngập cục bộ bởi nước mưa nhưng giờ thì xảy ra triền miên. Không cần tìm hiểu nguyên nhân, nhiều người cũng tự giải thích được, đó là do tình trạng xây dựng không phép tràn lan, tình trạng tự phân lô, xẻ nền… đã bít lối thoát nước ra biển sau mỗi cơn mưa nặng hạt.

Phú Quốc chục năm trước vẫn chủ yếu là các món đặc sản biển được chế biến theo cách của dân đảo, là nướng, là hấp, là luộc…; vào một số nhà hàng thì món có cầu kỳ hơn chút. Thế nhưng giờ thì hình thành hẳn một khu vực chuyên bán các món ăn được chế biến theo phong cách miền Bắc, để phục vụ khách từ Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, trong số này có rất nhiều vào để tham gia mua bán đất, góp chút vào cơn “sốt”. 

Tôi hỏi lãnh đạo một số xã nơi diễn ra giao dịch đất khá nhộn nhịp thời gian qua, nhiều người cùng thừa nhận: “Đất sốt nhưng với giá thật chứ không ảo, giá thị trường thực tế là như thế”.

Trở lại với động thái “hạ nhiệt” từ phía chính quyền, ngày 4-5 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện đã có công văn chỉ đạo Phòng TN&MT tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m² trên địa bàn huyện. 

Người ký văn bản này - ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chỉ đạo này xuất phát từ thực tế là thời gian qua, việc phân lô, tách thửa tại huyện Phú Quốc diễn biễn rất phức tạp. 

Tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân tự quảng cáo các khu phân lô, tách thửa là các dự án dân cư, nhiều người mua và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiến hành xây dựng, khiến cho công tác quản lý Nhà nước trong việc quy hoạch đất đai, quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, đối với các khu phân lô, tách thửa, các lối đi đều không được quy hoạch là đất giao thông, nhưng các công ty tự ý làm đường… kéo theo cơ sở hạ tầng không tuân theo quy định của nhà nước.

Đây là động thái tiếp theo hàng loạt động thái tích cực, trực tiếp tác động đến hoạt động giao dịch liên quan đến đất đai tại đảo. Cụ thể, trung tuần tháng 4 rồi, cơn “sốt” đất tại Phú Quốc có dấu hiệu “hạ nhiệt” rõ rệt khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ bổ sung nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện này vào kế hoạch thanh tra của Đoàn thanh tra theo quyết định đã triển khai của Tổng Thanh tra Chính phủ. 

Trước đó, cụ thể vào ngày 9-4, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cũng đã ký công văn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, huyện Phú Quốc khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc, kiên quyết thu hồi sổ đỏ cấp không đúng quy định; rà soát trình tự, thủ tục thực hiện cấp sổ đỏ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm việc tự quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cho phép; việc xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng (tái chiếm), đất thuộc phạm vi hành lang ATGT, việc lấn chiếm đất công…

Một cán bộ huyện cho biết, chưa khi nào trên địa bàn huyện lại có đông đoàn thanh tra, kiểm tra cùng lúc làm việc như thời gian vừa qua. Ngoài đoàn của Thanh tra Chính phủ (kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có Phú Quốc) như đã kể, ngày 19-4 rồi, Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập do một Phó Giám đốc Sở TN&MT làm trưởng đoàn với 22 thành viên đại diện của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Quốc cũng bắt tay vào việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai, chặt phá và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện. 

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành là rất cần thiết, để chấn chỉnh, giảm trừ thực trạng xây dựng trái phép, không phép, tình trạng đầu cơ, sốt giá đất… tại Phú Quốc trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc trước đó với Huyện uỷ, UBND huyện Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phạm Vũ Hồng nhận định việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý có chiều hướng gia tăng; quản lý trật tự đô thị còn lỏng lẻo, xây dựng không phép, trái phép còn xảy ra những chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả… 

Từ thực trạng vừa kể, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương mở đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị, quản lý đất đai, đất rừng, xây dựng trái phép… Và việc lập đoàn kiểm tra liên ngành vừa rồi là cụ thể hóa chủ trương này.

Các động thái tích cực trên đã và đang tác động trực tiếp đến cơn “sốt” đất tại Phú Quốc. Những ngày đầu tháng 5-2018, hoạt động của hàng trăm, hàng ngàn “cò đất”, của những người “lướt sóng” không còn rôm rả như trước. Các phòng công chứng, nơi giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cũng không còn ồn ào như trước. 

"Các giao dịch mua bán đất chậm lại hàng chục lần rồi. Hầu hết các nhà đầu tư chờ kết quả thanh tra đất đai thế nào rồi mới tính tiếp. Tiền tỷ bỏ ra nên bây giờ nhiều người sợ mất. Khổ nhất là những người đặt cọc, ôm đất ngay thời điểm triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra. "Nhiều người chấp nhận mất tiền đặt cọc, bởi như thế vẫn còn nhẹ hơn bỏ ra tiền tỷ rồi không lướt sóng hoặc hợp thức hóa được", một cán bộ cho biết.

Trao đổi với PV Báo CAND, một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đến ngày 15-4, Phú Quốc có 277 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.674ha, ước tổng vốn đầu tư đăng ký trên 361.000 tỉ đồng. 

Trong tổng số dự án này, có 215 dự án phát triển du lịch với diện tích khoảng 7.894ha, ước tổng vốn trên 300.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 77% trên tổng dự án, còn lại dự án dân cư, đô thị, nông nghiệp, dịch vụ công, thuê môi trường rừng… 

Đến nay, mới có 36 dự án đi vào hoạt động, 35 dự án đang xây dựng. Trong tổng số 10.674ha đất được chấp thuận chủ trương đầu tư, đến nay đã bàn giao, cho thuê đất 91 dự án với tổng diện tích trên 2.118ha. 

Trước các động thái “hạ sốt” vừa rồi từ Trung ương và địa phương, nhiều nhà đầu tư đến Phú Quốc theo chủ trương mời gọi đầu tư của cấp thẩm quyền, rất phấn khởi. 

“Tôi rất tâm đắc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi mới đây, ông bày tỏ quan điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược rằng, các đặc khu được hình thành tới đây, trong đó có Phú Quốc không chỉ của địa phương mà là của cả nước. Do vậy, đừng để những tác động tiêu cực mang tính tự phát làm ảnh hưởng đến chủ trương mang tầm vĩ mô”, một nhà đầu tư nói. 

Binh Huyền
.
.
.