Hà Nội sẽ có chỉ thị chuyên đề về quản lý chung cư

Thứ Hai, 25/06/2018, 09:32
Trước những bức xúc của người dân tại các khu chung cư thời gian qua, lãnh đạo HĐND TP cho biết sẽ đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, cư dân...


Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội vừa có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. 

Trước những bức xúc của người dân tại các khu chung cư thời gian qua, lãnh đạo HĐND TP cho biết sẽ đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, cư dân; trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, sở, ngành liên quan, quận, huyện, xã, phường…

59 ý kiến xung quanh vấn đề chung cư

Tại buổi tiếp xúc, đoàn đã ghi nhận 20 ý kiến trực tiếp và 30 ý kiến được gửi bằng văn bản của các cử tri là cư dân, đại diện Ban quản trị (BQT) các tòa chung cư, nêu lên thực trạng nhiều vướng mắc, kiến nghị giải pháp với thành phố và các cơ quan chức năng. Đặc biệt, đây là hội nghị tiếp xúc cử tri được đánh giá là nhận được nhiều ý kiến cử tri nhất từ trước tới nay.

Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về chất lượng nhà chung cư xuống cấp; quỹ bảo trì bị chiếm dụng, bàn giao nhỏ giọt; đề nghị chủ đầu tư rút khỏi vai trò đồng chủ tài khoản quỹ bảo trì, công khai việc sử dụng quỹ và bàn giao theo quy định. Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng bị thiếu về diện tích và số lượng so với quy định, quy hoạch; thang máy bị hỏng và đề nghị bổ sung thang máy cho các khu đô thị cũ; hệ thống PCCC xuống cấp, nguy cơ cháy nổ cao.

Thời gian qua cư dân ở không ít khu chung cư đã căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư.

Đáng chú ý, nhiều cử tri nêu lên những bất cập trong thành lập, vận hành BQT tại chung cư, mà nguyên nhân quan trọng do Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý, sử dụng chung cư không xác định mối quan hệ giữa BQT và chính quyền cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động chính quyền cơ sở cũng như tổ chức Đảng, đoàn thể, nên đề nghị phục hồi Quyết định 01 của UBND TP Hà Nội về quản lý chung cư. 

Theo ý kiến của các cửa tri, nội dung này gây khó khăn trong thành lập BQT, bàn giao diện tích chung, thực hiện chức năng giám sát, gây mâu thuẫn giữa BQT và cư dân, ý thức trách nhiệm của một số BQT hạn chế; hội nghị nhà chung cư chưa được tổ chức và chưa bầu được BQT; một số khu vực chậm công nhận BQT.

Ngoài ra, cử tri cho rằng, nhiều diện tích chung - riêng tại các tòa bị sử dụng sai, không thống nhất giữa chủ đầu tư và cư dân, đặc biệt diện tích tầng 1, nên đề nghị trả lại cho cư dân. Đồng thời, việc sửa chữa nhà chung cư cũ chưa được quan tâm; việc cấp Giấy chứng nhận cho các hộ dân và chủ đầu tư sửa chữa phần quy hoạch cần được chỉ đạo để xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi người dân. Cư dân còn đề nghị được mua nước sạch trực tiếp chứ không qua trung gian; chính quyền có sự bảo vệ với các BQT; quy hoạch chung cư cần có bãi đỗ xe, trường học…

Căn cứ vào những bất cập trên, nhiều cử tri đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng đối thoại thường xuyên với các cư dân, có văn bản hướng dẫn UBND quận, huyện, xã, phường… thực hiện quản lý sử dụng nhà chung cư đảm bảo hiệu quả tốt nhất đúng quy định. Thành phố cũng cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và chỉ đạo của thành phố về nhà chung cư, xử lý nghiêm vi phạm của chủ đầu tư.

Quản lý chung cư đang rất yếu kém

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, UBND TP sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND quận, huyện và đến tận xã, phường có trách nhiệm liên quan để giải quyết. 

Theo lãnh đạo Hà Nội, với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, mô hình chung cư còn mới mẻ, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý nhà chung cư còn bất cập; thành phố cũng còn nhiều lúng túng trong xây dựng cơ chế, chỉ đạo triển khai.

Nhiều góp ý của cử tri liên quan đến cơ chế quản lý, đặc biệt Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, cho thấy việc đưa ra cơ chế quản lý chưa phù hợp, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý nhà đầu tư, cơ chế phối hợp, giải quyết khi chủ đầu tư có sai phạm…, cũng có nguyên nhân do chưa hoàn chỉnh các văn bản trong quản lý. Chính điều này gây mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân, gây rất khó khăn trong quản lý của các cấp. 

“Đúng là công tác quản lý chung cư đang rất yếu kém, tiềm ẩn nhiều tồn tại, mà nếu chúng ta không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đến đời sống người dân; Chủ đầu tư không xác định được hết trách nhiệm khi đầu tư một dự án bán cho người dân. Chính vì thế, thành phố đang phải tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề này, và trong Kỳ họp HĐND TP tới sẽ là một nội dung quan trọng được đưa ra, để các cấp, ngành làm rõ, cùng người dân giải quyết”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhìn nhận.

Còn Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sẽ đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, BQT, cư dân; trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, sở, ngành liên quan, quận, huyện, xã, phường… thực thi nhiệm vụ đến đâu, chỉ rõ địa chỉ, và có lộ trình giải quyết cụ thể. Đồng thời, HĐND TP sẽ kiến nghị Thành ủy tới đây ra một Chỉ thị chuyên đề về quản lý, sử dụng chung cư, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Nhiều giải pháp giải quyết bức xúc của người dân ở nhà chung cư

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn TP.

Theo đó, một loạt các biện pháp đưa ra nhằm xử lý tình trạng gây bức xúc ở nhiều chung cư. Đối với các chung cư thương mại chưa thành lập ban quản trị, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư và các bên có liên quan trong việc thành lập ban quản trị; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai, không thực hiện. 

Đối với những tòa nhà đủ điều kiện thành lập Ban quản trị nhưng chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không thành lập Ban quản trị thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện tổng hợp, xử lý theo quy định, đồng thời lập danh sách theo dõi để báo cáo UBND TP xem xét năng lực nhà đầu tư khi giải quyết đề xuất đầu tư các dự án khác trên địa bàn TP. (PV)

Chi Linh
.
.
.