Hà Nội: Tăng giá dịch vụ chung cư, mâu thuẫn càng tăng

Thứ Năm, 31/01/2013, 11:14
Không chỉ xảy ra tranh chấp tại các chung cư cao cấp như Keangnam, Golden Westlake, 88 Láng Hạ, Bitexco Mỹ Đình… thời gian gần đây, tranh chấp phí dịch vụ chung cư càng “nóng” hơn với ngày càng nhiều tranh chấp nổ ra tại các tòa nhà có mức phí dịch vụ ở mức phí trung bình tại Hà Nội.

Việc tranh chấp về mức phí dịch vụ giữa người dân và chủ đầu tư diễn ra không chỉ ở các chung cư cao cấp với mức phí cao, mà tranh chấp tại các chung cư với mức phí vừa phải cũng đang diễn ra ngày càng nhiều. Mâu thuẫn giữa một bên là Ban quản lý nhà và một bên là các hộ dân đang sinh sống trong các chung cư này ngày càng gay gắt, và cần một quy định thống nhất từ phía các cơ quan quản lý để có căn cứ áp giá phí dịch vụ chung cư.

Theo Dự thảo của UBND TP Hà Nội về việc ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn TP, mức phí dịch vụ chung cư sẽ cao gấp hơn 3 lần hiện hành. Cụ thể, nhà chung cư không có thang máy sẽ có khung giá dịch vụ từ 480 đồng mỗi m2 tới 4.500 đồng mỗi m2. Chung cư có thang máy sẽ có có giá dịch vụ tối thiểu 850 đồng, tối đa 12.500 đồng mỗi m2. Trong trường hợp có nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ khác thuộc phần sở hữu chung, thì mức chi phí này phải được tính để bù đắp nhằm giảm giá dịch vụ nhà chung cư. Hơn nữa, trong khung giá này chưa có các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, sân tennis hoặc các dịch vụ cao cấp khác.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc xảy ra tranh chấp về giá dịch vụ chung cư lâu nay là do chủ đầu tư áp dụng mức giá không phù hợp, hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và người dân không quy định rõ ràng, rồi liên quan đến sở hữu chung riêng… Sau khi đánh giá kết quả thực hiện từ khi có mức trần dịch vụ chung cư thời gian vừa qua, tổng hợp ý kiến của hơn 2.000 hộ dân, các chủ đầu tư và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND TP Hà Nội mới đưa ra dự thảo mức phí trần mới từ 4.500 đến 12.500 đồng/m2 với các mức phí dịch vụ cụ thể.

Ông Tuấn cho rằng, việc ban hành khung giá khoảng rộng sẽ dễ dàng hơn trong việc xem xét, quyết định, đồng thời các bên liên quan có thể thương thảo, tự quyết định với thông tin về từng loại dịch vụ cụ thể.

Với việc áp dụng mức phí trần có biên độ rộng, liệu tranh chấp về phí dịch vụ chung cư có giảm?

Còn ông Nguyễn Văn Bách, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho rằng, cần thiết phải có chính sách, khung giá, trần giá với phí dịch vụ chung cư. Đây sẽ là cơ sở để chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà và người dân thương thảo với nhau. “Nếu để chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận thì rất khó vì mỗi tòa nhà có hàng trăm căn hộ với hàng nghìn người, mỗi người dân một tiếng nói rất khó có kết quả”, ông Bách phân tích.

Tuy nhiên, ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Khắc Hiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí toàn cầu, chủ đầu tư tòa nhà 176 La Thành thì cho rằng, không nên áp dụng mức giá trần dịch vụ chung cư vì mỗi toà nhà có đặc thù riêng, các loại hệ thống dịch vụ riêng, trong khi đó hiện chưa có bất kỳ căn cứ nào để xác địch cấp hạng của chung cư. Ông Hiệp lấy ví dụ tại tòa nhà 176 La Thành, mặc dù đang thu mức 6.000 đồng/m2, cao hơn mức quy định của TP, nhưng quan trọng là chủ đầu tư minh bạch hóa mọi thu chi, từ đó tạo ra sự đồng thuận của người dân, giảm thiểu tối đa tranh chấp.

Không chỉ xảy ra tranh chấp tại các chung cư cao cấp như Keangnam, Golden Westlake, 88 Láng Hạ, Bitexco Mỹ Đình… thời gian gần đây, tranh chấp phí dịch vụ chung cư càng “nóng” hơn với ngày càng nhiều tranh chấp nổ ra tại các tòa nhà có mức phí dịch vụ ở mức trung bình.

Điển hình có thể kể đến tranh chấp tại dự án 96 phố Định Công, Phương Liệt, Thanh Xuân do Công ty cổ phần Mộc và Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư áp dụng mức phí thu giá dịch vụ là 200.000 đồng/căn hộ/tháng (bao gồm cả phục vụ vệ sinh môi trường, bảo trì trang thiết bị tòa nhà, tiền hao phí nước…). Các hộ dân sống tại tòa nhà này cho rằng, mức giá này vẫn là quá cao.

Bên cạnh đó, người dân và chủ đầu tư còn nảy sinh mâu thuẫn ở phần diện tích chung riêng (chủ đầu tư có nhiều mét vuông sàn làm văn phòng, dịch vụ), phần chủ đầu tư làm nghĩa vụ với Nhà nước, mức thu phí bảo trì hệ thống cung cấp dịch vụ… Các tòa nhà của Vinaconex tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, hiện tại mặc dù đang áp dụng mức phí 90.000-100.000 đồng/căn hộ/tháng, 840.000 đồng/căn hộ/tháng đối với các căn hộ cho thuê, làm văn phòng, nhưng vẫn đang bị phản ứng dữ dội từ người dân.

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, việc xảy ra tranh chấp phí dịch vụ chung cư là do nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư vẫn chưa công khai, minh bạch trong việc quản lý giá dịch vụ.  Quá trình thực hiện, nhiều chủ đầu tư không làm đúng hợp đồng, nhiều chủ đầu tư áp dụng mức giá trần mặc dù nội dung và chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư còn thiếu, chồng chéo và không phù hợp với thực tiễn… Với mức giá cũ được ban hành từ năm 2011 từ 2.400 đến 4.000 đồng/m2, mâu thuẫn giá dịch vụ chung cư diễn ra ngày càng nhiều và nóng thì liệu với mức giá mới với biên độ rất rộng từ 4.500 đến 12.500 đồng/m2, nới biên độ rộng và mức áp giá được phép tăng gấp 3 lần hiện tại, mâu thuẫn tranh chấp giá chung cư sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao.

Thực tế tại Hà Nội, một số khu chung cư cao cấp hiện nay đã thu phí cao hơn mức trần 12.500 đồng/m2/tháng. Đơn cử, dự án Keangnam Landmark Tower hiện đang áp dụng mức phí 15.085 đồng/m2. Dù vậy, theo các chuyên gia, khoảng cách từ mức phí sàn tới mức trần khá rộng như đề xuất sẽ “gom” được phần đông các dự án chung cư trên toàn thành phố. Ngược lại, với dự thảo khung giá dịch vụ mới này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đã thẳng thắn cho rằng, mỗi loại nhà khác nhau, với mỗi vị trí địa lý khác nhau, chất lượng, số lượng dịch vụ cung cấp khác nhau sẽ có các mức giá rất khác nhau. Nếu bắt ép tất cả vào một khung cứng là không phù hợp...”. Vì thế, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ Xây dựng cho bỏ phương án áp giá trần dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã không đồng ý và yêu cầu Hà Nội kiên trì với phương án áp đặt khung giá cứng.

Phan Hoạt - Ngọc Yến
.
.
.