Gói 30.000 tỷ vẫn ì ạch: Tắc do xây dựng chính sách?

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:28
Sau 2 năm triển khai, kết quả thu được từ gói 30.000 tỷ đã không như kỳ vọng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 30/4/2015, tổng số tiền cam kết cho vay là 13,078 tỷ đồng, nhưng con số giải ngân mới chỉ đạt 7.155 tỷ đồng (chỉ đạt 23%).

Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ, với số tiền là 7.999 tỷ đồng và giải ngân cho 16.432 hộ, với số tiền là 5.211 tỷ đồng. Còn các tổ chức đã cam kết cho vay 38 dự án, với số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Bên cạnh đó, vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m² để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn. Còn về phía ngân hàng, khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân. 

Nói về cái khó của việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đại diện một ngân hàng cho rằng, sau 2 năm triển khai, gói này gặp khó khăn là do nhiều nguyên nhân. Theo quy định, ngoài cán bộ, viên chức, người tham gia trong lực lượng vũ trang không phải chứng minh thu nhập. Còn lại, người làm việc ở doanh nghiệp, lao động tự do phải chứng minh thu nhập. Từ đó này sinh nhiều vướng mắc. 

Theo các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản, thì gói 30.000 tỷ đồng chủ trương rất đúng, nhưng đi vào cuộc sống rất khó. Điều kiện để cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay rất ngặt nghèo. Khó khăn nhất của việc giải ngân chủ yếu là do không có điều kiện nào bắt buộc ngân hàng phải cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Làm thế nào để ngân hàng và người vay gặp nhau, là bài toán cần phải được giải quyết sớm trong thời gian tới. 

Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT CENINVEST cho rằng, được triển khai từ năm 2013, song khi áp dụng gói hỗ trợ này vào thực tế, thì gặp phải hàng loạt khó khăn như: điều kiện vay như thế nào, ai xác định mức thu nhập, thu nhập ở mức bao nhiêu là đủ … Chính vì quá nhiều vướng mắc, nên đến nay gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 20%. 

Theo ông Hưng, để có thể hỗ trợ người dân thì cần phải tính toán lùi thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải xem xét là quy định giới hạn mức thu nhập, các thủ tục hành chính liên quan đến xã, phường…

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gói 30.000 tỷ “tắc” là do việc xây dựng chính sách. Một trong những “nút thắt” lớn nhất là giới hạn mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới được vay ưu đãi từ gói này. Ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thì mới chỉ đủ sống, nhưng nếu ở các địa phương khác thì mức thu nhập này là đã có thể sống dư dả. Do đó, cào bằng áp dụng trên phạm vi cả nước là không hợp lý.

P.H.
.
.
.