Gỡ khó cho tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng: Tăng nguồn cung, xây dựng nhà ở phổ cập

Thứ Tư, 04/12/2013, 07:09
Sau 6 tháng triển khai cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 1% số tiền được giải ngân. Tiến độ ì ạch, cả 3 bên: ngân hàng, người dân và doanh nghiệp đều kêu vướng nên kẻ không tiếp cận được vốn, người không dám cho vay. Nếu với tốc độ này, khoảng… 50 năm nữa, gói hỗ trợ này vẫn chưa được giải ngân xong!
>> Giải ngân gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh: Chờ gỡ vướng nhiều nút thắt

Muốn vay, nhưng không có nhà để mua

Theo quy định, gói 30 nghìn tỷ sẽ được chia ra làm 2 phần, trong đó 70% là dành cho người thu nhập thấp mua nhà, còn 30%, tương đương với 10 nghìn tỷ đồng sẽ dành hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây nhà ở xã hội. Số liệu thống kê sau sáu tháng triển khai thực hiện giải ngân, hiện mới có 72 dự án được chủ đầu tư đề xuất vay, với tổng số vay 6.657 tỷ đồng. Nhưng mới có bảy dự án được chấp thuận với tổng số tiền 870 tỷ đồng và giải ngân cho bốn doanh nghiệp, với số tiền 91 tỷ đồng. Đối với cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng với số tiền 325 tỷ đồng, giải ngân cho 920 khách hàng với dư nợ 221 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, số tiền giải ngân mới hơn 300 tỷ đồng, bằng 1% tổng số tiền trong gói hỗ trợ.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được các cơ quan quản lý, giới chuyên gia mổ xẻ, nhưng có một điểm mấu chốt khiến số tiền được giải ngân quá ít so với thời lượng khởi động chương trình, đó chính là do nguồn cung, những dự án được cấp phép chuyển đổi và điều chỉnh cơ cấu căn hộ quá ít. Phía ngân hàng cũng “kết tội” cho việc giải ngân còn thấp là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này khan hiếm. Trong số các dự án đề xuất vay trong gói 30 nghìn tỷ đồng, nhiều dự án chưa hoàn tất các thủ tục.

Nhà ở phổ cập được đánh giá là cứu cánh cho gói 30 nghìn tỷ. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Thừa nhận thực tế này, Bộ Xây dựng dẫn số liệu hiện nay cả nước có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với quy mô 31.850 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.820 tỷ đồng, trong đó 34 dự án cho người thu nhập thấp, với 18.850 căn hộ; 62 dự án nhà cho công nhân với 13.000 căn hộ. Hiện có 125 dự án nhà ở xã hội khác đang triển khai với 79.000 căn hộ, trong đó 86 dự án nhà cho người thu nhập thấp với quy mô 52.000 căn hộ, 39 dự án nhà cho công nhân. Hiện tại, Hà Nội đang triển khai 18 dự án với khoảng 19.600 căn hộ, TP Hồ Chí Minh có 14 dự án với trên 6.600 căn hộ với giá bán từ 8 - 11 triệu đồng/m2. Cùng với đó, hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 34.837 căn hộ; 52 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng đăng ký từ 25.917 căn điều chỉnh thành 32.922 căn.

Trong lần đăng đàn gần đây nhất để trả lời thắc mắc của người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định: Muốn giải ngân nhanh gói 30 nghìn tỷ, phải có nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70m2. Hiện nay, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn, cả nước cần hơn một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhưng nguồn cung hàng chưa thể đáp ứng vì nhiều lý do. “Thứ nhất, chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn. Thứ hai, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Thứ ba, thủ tục, yêu cầu để giải ngân gói 30.000 tỷ này là bắt buộc. Vì nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, tham nhũng làm thất thoát cho Nhà nước, dư luận không đồng tình. Nhưng không phải vì làm chặt mà chậm”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Dĩ nhiên, thay vì nhanh nhẩu đoảng, “chậm mà chắc” luôn được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, theo quy định thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 10 năm đối với khách hàng vay mua nhà ở, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2023. Sau thời gian nói trên, khách hàng sẽ phải chịu mức lãi suất mới do các ngân hàng thương mại quy định. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc nếu tiến độ cứ tiếp tục ở vạch xuất phát như thế này, nếu nguồn cung ít vì cứ vin vào lý do này nọ mà chậm giải ngân thì cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi của khách hàng sẽ càng ngắn đi.

Giải pháp: xây nhà ở phổ cập

Đây là ý kiến đề xuất của TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng. Theo TS Liêm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ không có cách nào khác là hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển mạnh loại nhà ở phổ cập (còn gọi là chung cư mini) – nhà ở thương mại phù hợp với sức mua của tầng lớp thu nhập trung bình trong xã hội. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, TS Liêm cho biết, nhà ở được gọi là phổ cập khi hộ gia đình không phải chi quá 30% tổng thu nhập hàng tháng để thuê nhà (giá mua thì không quá 120 tháng tiền thuê nhà). Ứng với đó, đối tượng có khả năng chi 30% số tiền này, theo ông Liêm tính toán, chính là các hộ thu nhập trung bình.

“Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội năm 2012 là 50 triệu đồng (2.257 USD) và cũng là mức thu nhập bình quân đầu người/năm của tầng lớp thu nhập trung bình Hà Nội, có nghĩa hộ gia đình 4 người có tổng thu nhập 200 triệu đồng/năm, vị chi là 16 - 17 triệu đồng/tháng. Hộ thu nhập trung bình có khả năng chi 30% số tiền này, tức khoảng 5 triệu đồng/tháng cho việc thuê căn hộ 45 - 50m2. Căn hộ nào đáp ứng các yêu cầu đó thì được coi là căn hộ phổ cập. Còn giá bán phù hợp thì sẽ là 5 triệu đồng x 12 tháng = 600 triệu đồng/căn. Như vậy, căn hộ có giá trên dưới 600 triệu là phù hợp với sức mua của hộ có thu nhập trung bình ở Hà Nội”, ông Liêm dự tính.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, việc tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội cần được ưu tiên. Chỉ khi nguồn cung này dồi dào với giá cả hợp lý thì người thu nhập thấp mới có cơ hội lựa chọn, từ đó mạnh dạn vay vốn

Hà An - Huyền Thanh
.
.
.