Giá bất động sản tăng mạnh là do đầu cơ

Thứ Tư, 24/02/2021, 08:57
Bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài, giá bất động sản thời gian qua không ngừng tăng. Thậm chí ở một số nơi còn có hiện tượng tăng nóng, ảo gây ra nhiều hệ lụy. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng trong báo cáo mới nhất vừa được công bố về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, việc tăng giá mạnh và cục bộ tại một số khu vực chủ yếu diễn ra trong giao dịch giữa các nhà đầu cơ.

Giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.

Giá bất động sản “nhảy múa”

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương. Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ ở một số dự án với mức tăng mạnh. Ví dụ như tại Hà Nội, một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức năm 2020 có mức giá 25 - 30 triệu/m², tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Giá nhà đất nhiều vùng ven Hà Nội tăng bất thường thời điểm cuối năm 2020.

Thời điểm cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội nóng trở lại. Cùng với đó, hiện tượng đầu cơ, sốt ảo, đẩy giá đất nền tăng chóng mặt. Thậm chí có những nơi giá đất "dựng ngược" theo tuần.

Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu, giá đất nền phân lô tại các địa phương lân cận khu Công nghệ cao Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất), Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao. Tại nhiều địa phương, chỉ tuần trước so với tuần sau giá đất nền đã tăng gấp 2 - 3 lần. Trong khi đó, đây đều là đất không có giấy tờ, pháp lý đầy đủ. Tại Hoài Đức, giá đất thổ cư tại khu vực An Khánh, An Thượng, Vân Canh cũng tăng bất thường. Giá đất ở các khu vực đường lớn, mặt đường rộng khoảng 9 - 10m có giá từ 80 triệu đồng/m². Đất ở các ngõ xe ôtô vào được có giá khoảng 50 triệu đồng/m².

Theo Bộ Xây dựng, giá đất bị giới đầu cơ “thổi mạnh” ở nhiều địa phương khác như tại TP Hồ Chí Minh, kể từ sau thông tin TP Hồ Chí Minh sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt (trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m²; tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m² đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m², tăng khoảng 40% so với năm 2019). 

Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP Hồ Chí Minh và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân năm 2019 khoảng 12- 14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng; đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Giải pháp nào để kiểm soát tình trạng đầu cơ?  

Đánh giá về việc giá bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 không những không giảm mà còn tăng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dù có dịch bệnh COVID-19, nhưng tình hình giá bất động sản năm 2020 vẫn có chiều hướng tăng so với năm 2019, với mức tăng không đồng đều, thiếu nguồn cung, dẫn đến tăng giá. Việc thiếu nguồn cung hiện nay chỉ là ngắn hạn và cục bộ tại một số khu vực, không đại diện cho hiện tượng tăng nóng, tăng ảo của thị trường bất động sản thời gian qua. 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, nguyên nhân của tình trạng bất động sản tăng nóng, ảo không loại trừ việc có một số nhóm đầu cơ mua đi bán lại, ăn chênh lệch qua các lần giao dịch, không có nhu cầu sử dụng bất động sản mà chỉ tham gia vào thị trường để kiếm lợi nhuận thông qua các kỹ thuật đẩy giá, mua rẻ bán cao, từ đó khiến cho giá bất động sản tăng nóng. 

Ông Khởi cho rằng, bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khách quan khác khiến giá bất động sản tăng cục bộ trong năm 2020 như việc hàng loạt công trình hạ tầng được công bố, phê duyệt hoặc được đẩy nhanh công tác chuẩn bị mặt bằng; tiến trình đô thị hóa cùng với nhiều công trình hạ tầng chuẩn bị triển khai. Hạ tầng và đô thị hóa đến đâu giá nhà đất tăng đến đó. 

“Người mua nhà cần nghiên cứu kỹ, xem xét kỹ, thận trọng đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, các yếu tố trước khi mua. Chẳng hạn, thời điểm mua nhà, hạ tầng kết nối của dự án, tính pháp lý của dự án… cần được xem xét, đánh giá phù hợp, để tránh bị mua phải những sản phẩm bất động sản có giá bán quá cao so với thị trường, không đúng với giá trị thực do bị hấp dẫn bởi việc quảng cáo, marketing của một số dự án, như một số thông tin truyền thông đã phản ánh”, ông Khởi khuyến cáo.

Để ngăn chặn giá bất động sản “nhảy múa”, Bộ Xây dựng đang xây dựng các giải pháp để thị trường bất động sản hoạt động ổn định, minh bạch. Trước hết, cần xác định cụ thể nơi nào có tăng nóng, sốt ảo, nguy cơ bong bóng để có biện pháp phù hợp. Về tổng thể, Bộ Xây dựng mới trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh và tổng quan tình hình thị trường bất động sản, giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về khuyến khích nhà thương mại giá thấp diện tích dưới 70m², có giá bán vừa túi tiền với đa số người có thu nhập trung bình. 

Đồng thời, các vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục hành chính cũng sẽ được rà soát, tìm kẽ hở. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại các quy định của các luật Đầu tư, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, đất đai… để đề xuất sửa đổi cho hoàn thiện đồng bộ, thủ tục nhanh gọn, giảm chi phí trong hoạt động đầu tư dự án, tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển bất động sản. 

“Bộ Xây dựng sẽ tăng cường đôn đốc địa phương hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong quý I/2021 để sớm triển khai lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường, góp phần bình ổn giá”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.