Giá bất động sản phía Tây Hà Nội “sốt” trở lại

Thứ Tư, 08/12/2010, 10:07
Hiện nay đất ở các xã Mỹ Đình, Phú Đô, Đình Thôn, Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ... thuộc huyện Từ Liêm luôn được hét với giá giật mình: trong ngõ thì giá từ 60 đến 100 triệu đồng một m2, còn đất mặt đường, nếu không phải đại gia thừa tiền thì …khỏi mơ, bởi giá thấp nhất cũng từ 200 - 250 triệu đồng.

Trong “cơn sốt” đất phía Tây Hà Nội hiện nay, có những khu đất vô chủ cũng bị cò dẫn khách đến nhận bừa và hét giá mỗi mét vuông đến tiền triệu, đất nông nghiệp cũng đắt khách với giá 1 - 2 chục triệu mỗi mét vuông. Vậy mà cũng có không ít người lao theo “cơn sốt” đất, chấp nhận bỏ tiền mua những mảnh đất không hề có giấy tờ liên quan…

Đất vô chủ, "đất trỏ" cũng vào cuộc hét giá

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội lại có hiện tượng bước vào “cơn sốt” mới. Chỉ trong vài tuần, đất tại các dự án đô thị như Nam Cường, Geleximco, Thanh Hà - Cienco5, Văn Phú… bỗng tăng giá 25 - 40% chẳng dựa trên căn cứ rõ ràng nào. Những lô đất khu C, D dự án Geleximco được rao 2 tuần trước 35 triệu đồng/m2 thì nay giá đã lên tới 45 - 46 triệu đồng/m2.

Đất liền kề của dự án Nam Cường trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài chục ngày trước được chào khách 42 triệu đồng/m2 thì nay khi được hỏi lại đã vọt lên tới 50 triệu đồng/m2. Tất nhiên, đó mới là giá rao bán và giao dịch thực tế thì rất ít, nhưng bất chấp, giá bất động sản vẫn bị hét cao từng ngày.

Đất đô thị, thổ cư bị làm giá, gây nên cơn sốt thì cũng tạm coi là hiện tượng bình thường, nhưng lạ một điều là đất vô chủ cũng được người ta rao bán, dẫn khách vào xem ngã giá như sự hiển nhiên.

Dãy nhà liền kề một khu đô thị phía Tây Hà Nội đang hoàn thiện.

Trong vai người đi lùng đất giá rẻ, tôi được một người phụ nữ tầm trung tuổi tên Mai dẫn vào khu đất mà lối đi từ đường 32 (đoạn qua Nghĩa trang Mai Dịch khoảng 1km) vào mất chừng 10 phút phóng xe máy loằng ngoằng. Chỉ khoảnh đất trước sân nhà mình, chị này nói: "Đấy, khoảnh đất này của nhà em khoảng 200m2, chồng em thì muốn bán giá 11 triệu đồng/m2, có người trả 8 triệu, nhưng em nghĩ bán khoảng 10 triệu là hợp lý. Anh xem có ưng không?". "Giấy tờ đất này thế nào?". Trả lời câu hỏi của tôi, chị thản nhiên: "Chẳng có giấy tờ gì thì mới bán giá đó. Còn nếu có sổ đỏ rồi thì 6 - 7 chục triệu cơ. Đất này nhiều năm nay nhà em sử dụng trồng cây, chẳng ai tranh được. Anh lấy sau này làm sổ đỏ là giá lên vù vù ấy mà".

Như vậy khoảnh đất này là đất vô chủ lâu nay vẫn được gia đình chiếm dụng để dựng tạm xe, đun nấu, nay lại điềm nhiên mang ra bán. Tất nhiên, những dạng đất như vậy thì chỉ có mua bán viết tay không hề có ai xác nhận cho cả.

Trong các quận, huyện ở Hà Nội hiện nay thì tình hình bất động sản trên địa bàn huyện Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất. Ở một số thôn trong xã Đình Thôn, xã Phú Đô, người ta còn bán "đất trỏ".

Đất trỏ là gì? Anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Phú Đô (xã nổi tiếng với nghề làm bún, nay đã đô thị hóa gần hết) giải thích: "Ôi dào, thấy người ta lùng mua đất ghê quá mà đất ở đây thì trong ngõ cũng đã lên 7 - 8 chục triệu/m2 rồi nên họ quay ra bất kể đất nào cứ thấy rẻ rẻ là ôm. Cho nên, một số người đã dẫn các "nhà đầu tư" này ra các khu đất vô chủ mà trước đây thỉnh thoảng họ có dắt bò ra chăn hoặc phơi rơm rạ và trỏ tay bảo đất đấy, mua không. Yên tâm đi, tôi vẫn sử dụng chẳng ai tranh được. Vậy mà vẫn có người mua trả đến 5 - 7 triệu/m2, chẳng biết họ khờ hay là có cửa chạy giấy tờ nữa…?".

Cảnh giác kẻo sập bẫy sốt ảo…!

Thực tế, hiện nay đất ở các xã Mỹ Đình, Phú Đô, Đình Thôn, Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ... thuộc huyện Từ Liêm luôn được hét với giá giật mình. Tìm hiểu qua một văn phòng môi giới bất động sản trong khu vực cho thấy, giá đất trung bình ở khu vực này: trong ngõ thì giá từ 60 đến 100 triệu đồng một m2, còn đất mặt đường, nếu không phải đại gia thừa tiền thì …khỏi mơ, bởi giá thấp nhất cũng từ 200 - 250 triệu đồng. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến các "nhà đầu tư" nhỏ quay sang ôm bừa đất giá rẻ bất chấp là dạng đất gì.

Tuy nhiên, tìm hiểu tại một số văn phòng môi giới nhà đất và sàn giao dịch bất động sản thì giao dịch thực tế cũng không sôi động lắm. Giá bất động sản liên tục được đẩy lên cao cũng có phần do hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhưng nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư mua xong liền tự tính ngay ra phần lãi và rao bán với giá cao hơn giá mình mua. Việc này tạo ra hiệu ứng dây chuyền tăng giá.

Đánh giá vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cảnh báo các nhà đầu tư cần phải tỉnh táo bởi theo quy luật thì lợi nhuận lớn, rủi ro đi kèm cũng nhiều. Nhà đầu tư mà mua đất không có giấy tờ, thiếu cơ sở pháp lý thì rủi ro lại càng lớn hơn, thậm chí mất trắng.

Một số chuyên gia bất động sản đánh giá, hiện giá đất khu vực phía Tây Hà Nội đã được đẩy cao hơn giá trị thật và giá tuy tăng nhưng giao dịch không nhiều. Đây là hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ rất cao đối với các nhà đầu tư thiếu tỉnh táo

B.Tuấn
.
.
.