Dự án “rùa bò” tại Hà Nội do thiếu vốn và vướng GPMB

Thứ Hai, 18/03/2013, 11:53
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, nguyên nhân chính của việc chậm triển khai một số dự án trọng điểm là do thiếu vốn. Bên cạnh đó, việc GPMB tại các dự án này cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn.
>> Dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Chậm tiến độ hàng loạt gói thầu

UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ban, ngành về việc kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Dự kiến vào trung tuần tháng 3/2013, UBND TP sẽ có buổi làm việc về vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB các dự án. Tuy nhiên, đến hôm nay (18/3/2013) có vẻ như việc “thúc” các dự án trọng điểm tại Hà Nội là “bất khả thi” trong thời điểm này.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, nguyên nhân chính của việc chậm triển khai một số dự án trọng điểm là do thiếu vốn. Tổng nhu cầu của các dự án trọng điểm lên đến 164.000 tỉ đồng, năm 2012 mới bố trí được 2.000 tỉ đồng, chưa được 2%. Thêm nữa, một số dự án thời gian thi công kéo dài dẫn đến điều chỉnh thiết kế và đơn giá như dự án đường 5 kéo dài, dự án đường vành đai 1 và 2...

Cầu Nhật Tân - một trong những dự án chậm tiến độ điển hình. Ảnh: Thiện Hoàng.

Bên cạnh đó, việc GPMB tại các dự án này cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn. Vì vậy, hầu hết các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra dẫn đến khối lượng GPMB vẫn còn khá lớn. Điển hình như, dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn I, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt, thiết kế cơ sở của dự án đã hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, công tác GPMB còn chậm. Nguyên nhân do việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, vướng mắc liên quan tranh chấp đất ở; việc kiểm đếm thực trạng tại thực địa và thiếu giấy tờ. Đối với dự án nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn nghĩa trang Thanh Tước, thuộc xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh cũng đang gặp khó khăn khi thỏa thuận phương án GPMB…

Nguyên nhân chủ quan, theo Ban chỉ đạo GPMB, các đơn vị liên quan đã không dự báo, lường trước được khối lượng công việc cần phải thực hiện nên khi chuẩn bị phê duyệt phương án đất ở thì mới bắt đầu quá trình lập, trình phê duyệt các dự án đầu tư khu tái định cư. Ngoài ra, Ban chỉ đạo GPMB cũng thừa nhận, một số khu tái định cư còn thiếu những điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt nên nhiều hộ dân dù đã đồng ý với phương án di dời, nhưng vẫn ở lại.

Còn nhớ, cuối năm ngoái, cũng chính Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo các Sở, ngành và quận huyện có liên quan phải quyết liệt hơn trong nhiệm vụ có liên quan đến việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Những công trình, dự án phát sinh phức tạp, các cơ quan liên quan phải tiến hành họp mỗi tháng 1 lần, quy rõ trách nhiệm cho từng đơn vị. Tuy nhiên, đến nay, các công trình trọng điểm, quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô vẫn trong cảnh “vừa làm vừa chờ”, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như khiến các nhà lãnh đạo thành phố “đau đầu”. Chẳng biết đến bao giờ điệp khúc “công trình chậm vì vốn, vì GPMB” mới chấm dứt. Dù lãnh đạo thành phố đã hơn 1 lần chỉ đạo quyết liệt?

Dự án tái định cư tập trung của Hà Nội chậm tiến độ

Kết quả giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tại khu đô thị Nam Trung Yên do Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư cho thấy, khó khăn vướng mắc hiện nay là hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị do Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình thực hiện các hạng mục còn lại để bàn giao cho các cơ quan chuyên ngành thực hiện quản lý, vận hành tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị. Trong khi đó, một số công trình dịch vụ, công cộng và xã hội hóa chưa triển khai xây dựng đã ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tổng thể khu đô thị này.

Cuối năm 2011, HĐND TP Hà Nội quyết định thông qua 37 dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011- 2015 do thành phố quản lý với tổng vốn đầu tư hơn 147.373 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến có 31 công trình sẽ hoàn thành với số vốn gần 130.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu vượt tại nút giao Thái Hà – Chùa Bộc, Thái Hà - Láng Hạ và Lê Văn Lương - Láng; 12 dự án triển khai đúng tiến độ như dự án xây dựng cầu vượt nhẹ tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - đường Láng, Lê Văn Lương - đường Láng, đường Nam Hồng trên tuyến Mai Dịch - Nội Bài, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn. Trong năm 2013, có nhiều dự án trọng điểm cần được tập trung thực hiện và bàn giao dứt điểm như Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường Kim Mã - Trần Phú, đường Vành đai II đoạn Nhật Tân - Bưởi và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án đường sắt đô thị Hà Nội…

PV
.
.
.