Đăng ký biến động nhà, đất giảm từ 20 lượt đi, về còn 2 lượt

Thứ Bảy, 21/06/2014, 14:29
Ông Ngô Gia Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, nằm trong chương trình cải cách hành chính, hiện nay Bộ Tư pháp đang thực hiện dự thảo đề án “Thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế”. Theo đề án này, thủ tục đăng ký biến động đất, tài sản liên quan đến đất sẽ giảm từ 20 lượt đi, về xuống còn 2 lượt.

Hiện nay, dù đã có liên thông các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là QSDĐ) và thuế theo hướng đầu mối tiếp nhận là Văn phòng đăng ký QSDĐ, song mỗi cá nhân, tổ chức khi thực hiện quyền của mình liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất phải đi lại từ 16 đến 20 lượt đối với nhóm thủ tục chuyển QSDĐ và xác lập QSDĐ do được người khác chuyển QSDĐ. Đối với nhóm thủ tục chứng nhận biến động trong hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp, người dân cũng phải đi lại 6 đến 8 lượt. Các thủ tục mà người dân phải làm gồm: Chứng thực các giấy tờ, văn bản liên quan; công chứng hợp đồng giao dịch; xác nhận tình trạng đất hoặc xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có); thủ tục chia thửa, hợp thửa (nếu có); đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; các thủ tục về thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Kho bạc…

Trên thực tế đã xảy ra tình trạng tách biệt giữa công chứng và đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất khi giải quyết chuỗi thủ tục này. Vì thế, nên xảy ra cả việc giao dịch giả cách, giao dịch treo chỉ thực hiện ký kết hợp đồng trước công chứng viên mà không tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký QSDĐ để che giấu hoạt động cho vay tín dụng đen, đồng thời không thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan Nhà nước. Để khắc phục những hạn chế vừa nêu, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án “Thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký QSDĐ, tài sản gắn liền với đất và thuế”.

Theo đó, quy trình liên thông thủ tục giữa các tổ chức, cơ quan: Công chứng, Văn phòng đăng ký QSDĐ, Thuế dự kiến thực hiện: Người yêu cầu công chứng chỉ trực tiếp liên hệ ở một cửa duy nhất là Tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức này sau khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan như: Văn phòng đăng ký đất đai, Thuế, Xây dựng để tra cứu, xác minh thông tin nhằm bảo đảm tính hợp pháp của các nội dung hợp đồng, giao dịch. Tiếp đó, tổ chức cho các bên trực tiếp ký kết, thay mặt cho các bên trong hợp đồng, giao dịch (có văn bản ủy quyền) liên hệ với cơ quan Thuế, Văn phòng đăng ký QSDĐ để làm các thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, nộp thuế. Cuối cùng, Văn phòng công chứng chuyển trả kết quả cuối cùng cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng... Với cách làm này, thay vì phải đi lại 18 đến 20 lượt, người dân chỉ phải đi lại 2 lần với đầu mối là Tổ chức công trình

Cao Hồng
.
.
.