Đã đến lúc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà

Thứ Ba, 04/11/2014, 13:05
Cách đây hơn 6 năm, tháng 6/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH12 về thí điểm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vấn đề này vừa được “xới” lại trong Quốc hội với độ nóng không hề giảm và đạt được sự tán thành cao của các đại biểu

Với mục tiêu thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam và góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kỳ này dành riêng một chương quy định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo đó quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định…

Các điều khoản mở rộng trên được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Khi trình bày tại Quốc hội, điều khoản mở rộng đã được các đại biểu đồng thuận và tán thành cao, cho rằng đây là một cơ chế để tạo sự thu hút nguồn vốn, công nghệ, giải quyết tồn đọng trên thị trường.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng Nghị quyết 19/2008 đã đi vào cuộc sống được 6 năm, đã có 200 trường hợp được mua và sở hữu nhà ở theo nghị quyết này và chưa có tác động tiêu cực gì phát sinh. Việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam là biện pháp quan trọng để xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp; thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút nhiều hơn ngoại tệ cho nền kinh tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị sau khi người nước ngoài được sở hữu nhà hợp pháp, không nên hạn chế các quyền khác như quyền cho thuê lại, lúc đó họ sử dụng quyền này, họ phải đăng ký, họ phải đóng thuế. Nếu hạn chế rồi mà khi người ta được sở hữu hợp pháp, lại chặn thêm một số quyền khác là không bình đẳng như công dân Việt Nam.

“Nếu khu vực đã không cấm người nước ngoài thì cũng nên cho người ta quyền xây dựng nhà riêng lẻ. Ở đây mình chỉ quy định trong dự án mà thôi. Có những trường hợp người ta hoàn toàn có thể xây dựng, bỏ tiền xây dựng những khu ngoài các dự án miễn là không vi phạm khu vực cấm người nước ngoài”.

Đồng tình với việc mở rộng các quy định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà là thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy thị trường bất động sản, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, việc hình thành các hành lang pháp lý để tranh thủ các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước là hết sức cần thiết.

Còn đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy định này hoàn toàn phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và rất có lợi cho việc phát triển kinh tế của đất nước.

Lợi ích của việc mở rộng đã có, sự tán thành, ủng hộ của tất cả các giới: nhà làm chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp và quốc hội đã rõ, thị trường đang trông đợi, quy định mang tính đột phá là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ sớm được Quốc hội thông qua

Nguyễn Thiêm
.
.
.