Đà Lạt sắp bị "phá hỏng" do những khối nhà khổng lồ đua nhau mọc lên (?)

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:38
Những khối nhà cao tầng, có diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông được phép xây dựng ngày càng nhiều giữa TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Điều này không chỉ tạo thêm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố các vấn đề về giao thông, dân sinh, môi trường mà còn có nguy cơ phá vỡ tổng thể kiến trúc Đà Lạt.

TP Đà Lạt được hình thành và phát triển gần 125 năm qua. Di sản kiến trúc, đô thị của thành phố qua các giai đoạn lịch sử, tạo thành “bộ sưu tập” khá đồ sộ và đa dạng các công trình kiến trúc với nhiều trao lưu, phong cách kiến trúc đặc sắc. Thành phố này được xem là bảo tàng kiến trúc nước Pháp ở Đông Dương. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những đại công trình về các dự án du lich nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn, nhà hàng… được xây dựng ngày càng nhiều tại Đà Lạt. Đáng chú ý, những dự án này phần lớn lại tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, địa bàn lâu nay vốn được xem có mức độ dân cư tập trung cao, khiến người dân địa phương và giới chuyên môn e ngại.

Vào những ngày cao điểm như lễ, tết… khu vực này thường xuyên xảy ra cảnh quá tải về giao thông dẫn đến việc ùn tắc, kẹt xe cục bộ.

Một trong những công trình đồ sộ, tương phản với hầu hết các công trình xây dựng khác tại Đà Lạt chính là Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng tại đường Trần Phú. Công trình nằm giữa trung tâm TP Đà Lạt, khởi công từ năm 2009 và khánh thành năm 2015 với số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Toà nhà gồm 4 khối nhà 9 tầng và 4 khối nhà 6 tầng liên thông nhau với tổng diện tích 13.126m2, tổng diện tích sàn là 56.000m². Ngay từ khi mới được xây dựng, công trình đồ sộ này bị dư luận địa phương chê xấu, không phù hợp với tổng thể kiến trúc Đà Lạt. 

Những khối nhà cao tầng diện tích hàng nghìn mét vuông đua nhau mọc lên giữa trung tâm Đà Lạt.

Hay ngay giữa khu Hòa Bình, trung tâm TP Đà Lạt hiện cũng đang mọc lên khối tòa nhà Dalat Center. Theo thông tin được công bố vào thời điểm khởi công tòa nhà này năm 2011, dự án có mức vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm 1 tầng hầm để xe và 3 tầng chợ truyền thống. Khối đế gồm 3 tầng để xe và 3 tầng dành cho các dịch vụ thương mại. 7 tầng trên cùng làm văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Công trình này có diện tích xây dựng trên 5.000m² với mặt tiền là đường Phan Bội Châu, phường 1, TP Đà Lạt. Dự án được khởi công từ năm 2011, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang là một đại công trường giữa lòng Đà Lạt.

Sát với tòa nhà Dalat Center là khách sạn Bavico Đà Lạt có diện tích xây dựng hàng nghìn mét vuông. Mặt tiền của khách sạn này chiếm gần 40% chiều dài của đường Lê Thị Hồng Gấm và hiện đã được đưa vào sử dụng, hằng ngày tập trung khá đông du khách.

Cách vị trí trên vài trăm mét là công trường thuộc dự án trung tâm thương mại Golf Valley Đà Lạt, trên đường Bùi Thị Xuân, hiện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Theo giới thiệu, khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn 5 sao Golf Valley có diện tích 17.000m², dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay...

Liên quan đến những khối nhà cao tầng, có diện tích xây dựng lên tới hàng nghìn mét vuông dồn dập được xây dựng ngay trung tâm TP Đà Lạt, ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng trăn trở: “Mức độ xây dựng những công trình lớn tập trung ở khu vực trung tâm Đà Lạt quá lớn khiến người ta cảm thất bị… ngợp”.

Cũng theo ông Lê Tứ, thực tế không phải bây giờ Đà Lạt mới xuất hiện những công trình xây dựng lớn như hiện nay. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp thì Đà Lạt đã xuất hiện các tòa nhà khá lớn, điển hình là công trình Petit Lycée Dalat (nay là Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt), Giáo hoàng học viện Piô X Đà Lạt (nay là Trung tâm Thanh Thiếu niên Lâm Đồng) hay Tòa giám mục Đà Lạt…

Tuy nhiên, những công trình thời bấy giờ được xây dựng cách xa nhau ít nhất 1km, thường tọa lạc trong rừng cây và giới hạn về chiều cao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của Đà Lạt.

“Điều đó khiến những công trình bê tông này không bị lộ liễu mà vẫn thể hiện được sự hiện đại, mềm mại và nét duyên riêng của nó. Dù công trình có lớn, những với mật độ xây dựng thích hợp và ẩn trong những tán cây xanh chúng ta sẽ thấy dễ chịu, nhất là với điều kiện của Đà Lạt”, ông Tứ nói.

Những tòa nhà cao tầng, có diện tích xây dựng hàng nghìn mét vuông dồn dập mọc lên giữa trung tâm TP Đà Lạt đã khiến khu vực này đang chịu những áp lực rất lớn về dân số, môi trường, nhất là vấn đề về giao thông. Những tòa nhà lớn xuất hiện ngày càng nhiều cũng đang đe dọa trực tiếp tới tổng thể kiến trúc của Đà Lạt, vốn được xem là một Paris thu nhỏ ở Đông Dương.

Khắc Lịch
.
.
.