“Cò” đẩy giá đất cao “ngất ngưởng” quanh cầu Nhật Tân: Người mua cần thận trọng

Thứ Hai, 29/09/2014, 09:35
Cầu Nhật Tân, công trình quan trọng của Hà Nội đang vào giai đoạn nước rút, bên cạnh sự háo hức chờ đợi của người dân Thủ đô thì từ đầu tháng 9 đến nay, các khu vực xung quanh cây cầu này về phía huyện Đông Anh liên tục được “cò” đất rao bán nhan nhản. Giá đất rao bán ở các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối của huyện Đông Anh liên tục tăng trong vòng một tháng qua vì thông tin cầu Nhật Tân sắp thông xe. Có nơi, “cò” đất rao bán 60 triệu đồng/m2 mặt đường.

Trái ngược với thông tin rao bán đất nổi sóng ở quanh cây cầu Nhật Tân trên các trang mạng, có mặt ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, chúng tôi thấy không khí giao dịch bất động sản ở đây vẫn “lặng như tờ”. Một người dân ở đây khi được hỏi đã nhanh nhảu: “Người ta rao bán thế nào tôi không biết, chứ ở đây có thấy ai bán được đất đâu, người hỏi mua cũng ít lắm”.

Nếu như vào thời điểm sốt đất của năm 2009, 2010, đất mặt đường nơi dẫn lên cầu Nhật Tân có giá 70-80 triệu đồng/m2 thì vào thời điểm bất động sản đóng băng, giá đất giảm đi một nửa, thậm chí chỉ còn 25-30 triệu đồng/m2 cũng không có giao dịch. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, do có thông tin về việc cầu Nhật Tân sẽ thông xe vào tháng 1/2015, nhiều “cò” đất đã hoạt động trở lại và liên tục rao bán đất ở các xã ven cầu Nhật Tân.

Trong vai người đi tìm mua đất, chúng tôi đến xã Vĩnh Ngọc. Liên hệ với một cò đất tên Mạnh, chúng tôi được giới thiệu mảnh đất nhà ông A, bà B có diện tích khá lớn ở thôn Ngọc Chi và Ngọc Giang, nếu muốn cắt 30m2, 40m2, 50m2 đều được. Nhưng cái giá mà nhân viên này đưa ra khá cao: đất ngoài mặt đường 60 triệu đồng/m2, đi sâu vào trong ngõ 20-30 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Xa hơn chân cầu là làng Vĩnh Thanh, Phương Trạch, đất mặt đường giao động 40 triệu đồng/m2, đất trong ngõ 20-22 triệu đồng/m2. “Đông Anh sắp lên quận Cổ Loa, cầu Nhật Tân và Đông Trù xây xong, cơ sở hạ tầng phát triển chẳng khác gì quận Long Biên, lúc ấy đất còn lên nữa”, Mạnh giới thiệu. Chị Hoa, ở quận Nam Từ Liêm cho biết: “Tính ra tiền mua đất, xây nhà ở đây đắt hơn mua chung cư trong thành phố. Số tiền ấy tôi tìm mua một căn chung cư khoảng 70m2 ở Từ Liêm là được, đỡ phải qua cầu”.

Nhiều người dự đoán, sau khi hợp long, cầu Nhật Tân sẽ góp phần kết nối cơ sở hạ tầng của Đông Anh với các quận nội thành Hà Nội và việc giao thông đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách ngoại thành với nội thành. Đặc biệt, khi cầu Đông Trù xây dựng xong, kết nối với QL5, việc sang nội thành Hà Nội rút ngắn là những tín hiệu đáng mừng cho bất động sản Đông Anh. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, dù giá đất ở một số xã ven cầu Nhật Tân được rao bán khá nhộn nhịp, nhưng giao dịch thật lại trầm lắng. Khu vực chân cầu phía Đông Anh có 9 tấm biển giao dịch bất động sản, nhưng 7 địa chỉ treo biển đóng cửa. Hai địa chỉ mở thì kiêm thêm dịch vụ rửa xe, bơm vá xe.

Theo cảnh báo của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì người tiêu dùng có nhu cầu mua đất ở thực sự phải hết thận trọng trước những thông tin sốt giá đất ở khu vực này. Bởi đôi khi, đây là những chiêu của nhà đầu cơ, đừng lao vào việc thổi giá lên rồi đổ xô đi mua. Hãy xem xét kỹ về giá trước khi mua để mua được đúng với giá trị thật. Bởi bài học “bong bóng” giá đất trục tâm linh Ba Vì, trục Láng – Hòa Lạc, hay một số xã ở huyện Sóc Sơn, huyện Xuân Mai vẫn còn đó

Minh Thư
.
.
.