Chuẩn bị khởi công hàng nghìn căn nhà giá rẻ cho công nhân

Chủ Nhật, 08/10/2017, 06:28
Dự kiến, tháng 11 này sẽ bắt đầu khởi công xây dựng nhà giá rẻ tại 3 tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang và chỉ vài năm nữa, hàng chục nghìn căn hộ giá rẻ sẽ được xây dựng trên khắp cả nước cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thông tin này được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) chia sẻ với báo chí sáng 5-10. Đặc biệt người lao động sẽ được mua nhà với mức giá chỉ từ 150- 200 triệu đồng/căn hộ.

Đã chuẩn bị xong nguồn vốn

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐVN, ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ chính thức có quyết định phê duyệt đề án xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư xây dựng 50 thiết chế trên toàn quốc. Giai đoạn 2017-2018 sẽ xây dựng 10 khu, 40 khu còn lại sẽ được xây trong giai đoạn 2018-2020. 50 thiết chế này có quy mô 50 nghìn căn hộ cho công nhân, người lao động. Các địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất được giao trách nhiệm chuẩn bị quỹ đất sạch để triển khai nhanh.

Đến thời điểm này, Tổng LĐLĐVN đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 khu tại: Quảng Nam, Hà Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh, Trà Vinh, Hưng Yên, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Quản lý thiết chế công đoàn cho biết, 3 địa phương: Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Các tỉnh này cũng đã chuẩn bị xong quỹ đất sạch, hạ tầng đấu nối vào tận hàng rào công trình. Tổng LĐLĐVN đang tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế qua phiếu đăng ký, và chuẩn bị triển khai xây dựng. Dự kiến cuối quý IV-2017 sẽ khởi công ít nhất 3 dự án. Sang đầu năm 2018 sẽ khởi công 7 dự án tiếp theo.

“Khả năng cao sẽ có 2 loại căn hộ 31m2 và 45m2, để bán cho đoàn viên công đoàn. Với mức giá khoảng 5-6 triệu/m2 thì căn hộ 30m2 sẽ có giá khoảng 150 triệu đồng/căn. Căn hộ này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của công nhân, cũng như khả năng chi trả của người lao động thông qua các chương trình hỗ trợ của ngân hàng cho vay trả góp trong 10-15 năm”, ông Khải chia sẻ.

Đề cập đến nguồn vốn để triển khai 50 dự án lớn này, theo thông tin từ ông Phan Văn Anh, Trưởng ban Tài chính (Tổng LĐLĐVN), tổng mức đầu tư 50 thiết chế khoảng 11 nghìn tỷ. Phần vốn từ Tổng LĐLĐVN được bố trí từ nguồn vốn của tổ chức công đoàn tích lũy, điều tiết theo Nghị quyết 9C. Dự kiến đến 2020 nguồn vốn này sẽ có xấp xỉ 5 nghìn tỷ. Khi có sản phẩm, Tổng LĐLĐVN sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho công nhân lao động mua nhà, thuê nhà vay.

Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 50 nghìn căn hộ giá rẻ cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Về cơ bản, nguồn vốn đã được chuẩn bị. Phương án hỗ trợ công nhân, phía ngân hàng cũng rất đồng tình. Tuy nhiên, về việc đề xuất nguồn vốn để cho người lao động vay với lãi suất thấp, khoảng 5% thì đang còn vướng mắc. Phía ngân hàng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có chỉ đạo cho công nhân lao động hoặc các đối tượng mua nhà, thuê nhà vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại”, ông Anh nói.

Phải xác định người lao động là vốn quý của doanh nghiệp

Sau các phiên thảo luận, mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2018 đã được các bên thống nhất tăng ở mức 6,5%. Theo đánh giá của Tổng LĐLĐVN, với mức tăng này, lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng từ 90- 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Đến thời điểm này, trong khi đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tăng 6,5% này theo tờ trình của Bộ LĐ-TBXH, thì câu chuyện về tăng lương tối thiểu lại tiếp tục nóng lên khi nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp đang đề nghị dừng tăng lương tối thiểu năm 2018.

Mới nhất là ngày 4-10, tại Hội thảo "Tác động của chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội đến doanh nghiệp dệt may”, hàng loạt doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục kiến nghị dừng tăng lương tối thiểu vùng 2018. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu mức tăng 6,5% được thông qua, áp dụng từ 1-1-2018 sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề lương tối thiểu vùng, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, người lao động làm việc được hưởng lương và trả đúng kỳ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Để cân nhắc về việc tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng, trước hết phải nhìn thẳng vào cuộc sống của người lao động.

“Chúng ta phải thừa nhận một thực tế hiện nay là người lao động muốn sống được phải chấp nhận con đường tăng ca, làm thêm. Điều này thì doanh nghiệp là người hiểu hơn ai hết. Để thấy rõ giá trị của việc tăng lương tối thiểu, chúng ta phải đến nơi công nhân ở, xem bữa ăn của công nhân. Tôi cho rằng, điều chỉnh tiền lương tối thiểu với sự thống nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa rồi đã thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ với người lao động”, ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cho rằng, những ý kiến cho rằng không cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động thì phải xem xét lại. Ông Trần Thanh Hải cũng kiến nghị Nhà nước sớm có một cơ quan chủ trì nghiên cứu và công bố mức sống tối thiểu hiện nay của người lao động, làm cơ sở cho các tổ chức, các cơ quan trong quá trình xem xét, thương lượng để đàm phán về tiền lương.

Phan Hoạt
.
.
.