Dự án khu du lịch - biêt thự Thanh Bình (Bà Rịa-Vũng Tàu):

Cần khẩn trương xử lý "tận gốc" vấn đề để đảm bảo ANTT

Thứ Ba, 11/06/2019, 10:15
Thời gian gần đây, tranh chấp giữa người mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất và nợ xấu của ngân hàng với các hộ dân chuyển nhượng đất từ Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Thanh Bình; trụ sở đặt tại tầng 1, tòa nhà Packsimex; số 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã biến khu dân cư Thanh Bình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn phường 10, TP Vũng Tàu. 

Sau khi Báo CAND có 2 bài viết phản ánh về những sai phạm của Công ty Thanh Bình do ông Phạm Quốc Dũng làm Giám đốc, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản giao Công an tỉnh nghiên cứu, xử lý theo đơn cầu cứu của người dân…

Nắm chắc những vấn đề mới nảy sinh Công ty TNHH đầu tư BĐS Đại Dũng và Công ty TNHH TM-DV-ĐT BĐS Đại Dương cùng có trụ sở đặt tại số 118/17, Trần Quang Diệu, phường 19, quận 3, TP Hồ Chí Minh và đều do ông Lê Trọng Đại (SN 1982) làm Giám đốc. Sau khi Công ty Đại Dương mua trúng đấu giá khu đất gần 8.000m2 thì Công ty Đại Dũng cũng trúng đấu giá các khoản nợ xấu liên quan đến 2 khu đất có diện tích gần 31.000m2. 

Công tác giữ gìn ANTT tại khu dân cư Thanh Bình luôn được quan tâm.

Tất cả diện tích đất này Công ty Thanh Bình đã có hợp đồng chuyển nhượng với các hộ dân, nhưng sau đó mang hết thế chấp ngân hàng. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND phường 10, TP Vũng Tàu cho biết, sau khi mua các khoản nợ, ông Lê Trọng Đại không có liên hệ với chính quyền địa phương mà dùng những người lạ mặt gây sức ép với người dân. 

Sáng 24-5-2019, Công ty Đại Dũng sử dụng một số người gồm: Trần Hữu Phúc (SN 1994; ngụ phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu), Trương Tấn Phước (SN 1982; ngụ phường 11, TP Vũng Tàu) và Lê Thanh Thắng (SN 1984; ngụ phường 10, TP Vũng Tàu) đến khu dân cư Thanh Bình dùng lời đe dọa gây sức ép, ngăn cản việc thi công xây dựng của các hộ dân. Tuy nhiên, Công an phường 10 có mặt kịp thời, mời các đối tượng về trụ sở làm việc, không để xảy ra sự việc đáng tiếc nào. 

Tiếp đến, khoảng 13h5 ngày 6-6 vừa qua, một nhóm người mặc đồng phục bảo vệ đứng quanh khu biệt thự lô B121 cũng để gây sức ép với người dân. Công an phường 10 mời hơn 10 đối tượng về trụ sở làm việc thì những người này khai được Công ty bảo vệ Bảo An thuê (giao kết miệng) làm bảo vệ với giá 6 triệu đồng/tháng, khi họ vừa vào làm ngày đầu tiên thì xảy ra vụ việc. 

Ông Doãn Ngọc Bảo (SN 1993; HKTT Châu Phú, An Giang) cho biết mình là Giám đốc Công ty Công ty TNHH bảo vệ chuyên nghiệp Bảo An, trụ sở đóng trên đường Hoàng Sa, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Công ty của ông Bảo có ký hợp đồng (không có ngày tháng) với Công ty Đại Dũng với giá 250 triệu đồng để “bảo vệ mục tiêu” trong 1 tháng. Tuy nhiên, ông Bảo không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để kinh doanh dịch vụ bảo vệ; hợp đồng ký kết không biết rõ pháp lý của mục tiêu được bảo vệ; các nhân viên không có giấy chứng nhận bảo vệ; không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bảo vệ mục tiêu… 

Công an phường 10 đã lập hồ sơ ban đầu và đang củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cách hành xử của Công ty Đại Dũng trong thời gian vừa qua đã gây bất ổn tình hình ANTT ở khu vực này. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, việc tranh chấp này phải được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong mọi hoàn cảnh đều không thể dùng “luật rừng” để xử lý vì như vậy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phát sinh nhiều hệ lụy về sau. 

Riêng đối với trường hợp của ông Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Thanh Bình, hiện các hộ dân đang đề nghị cơ quan Công an xử lý hình sự về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khẩn trương xử lý triệt để những vướng mắc Như trong bài viết "Cần sớm làm sáng tỏ dấu hiệu thông đồng giữa chủ đầu tư với ngân hàng", Báo CAND đã đề cập sâu về việc Công ty Thanh Bình đã bị nợ xấu nhưng vẫn được các ngân hàng nhà nước xét duyệt cho vay trong nhiều năm liền. 

Mới đây, theo tài liệu mà PV Báo CAND thu thập được cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2017, khi vụ việc Công ty Thanh Bình đã đổ bể, nhiều cơ quan báo, đài đã đăng tải về việc làm sai trái của Công ty Thanh Bình. Thế nhưng, một chi nhánh ngân hàng ở An Sương (Hóc Môn) vẫn tiếp tục cho ông Dũng đem tài sản đã chuyển nhượng cho người khác thế chấp ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ ngân hàng hàng trăm tỷ đồng cho hàng loạt công ty. Hành động này cho thấy ông Dũng và ngân hàng đã quá xem thường và cố ý làm trái các quy định của pháp luật về lĩnh vực ngân hàng. 

Về phía chính quyền, từ năm 2017, Thành ủy Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình phức tạp ở khu dân cư Thanh Bình. Từ đó, ngày 13-2- 2018, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có văn bản giao Sở Xây dựng thanh, kiểm tra toàn bộ dự án Thanh Bình trong năm 2018. Sau khi thực hiện xong, Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh về phương án đề xuất, xử lý đối với vụ việc trên. 

Tuy nhiên, đến nay TP Vũng Tàu vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo, hướng giải quyết của các sở, ngành của tỉnh. Mới đây, ngày 28-5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Văn bản số 5071/UBND-VP gửi Giám đốc Công an tỉnh khẩn trương nghiên cứu, xử lý kiến nghị của các hộ dân theo đơn cầu cứu của các hộ dân… 

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cái gốc của vấn đề ở dự án khu dân cư Thanh Bình là dấu hiệu cấu kết giữa Công ty Thanh Bình và ngân hàng. Vì nếu ngân hàng từ chối cho vay thì đã không xảy ra hậu quả của ngày hôm nay. Mặt khác, sự thỏa thuận giao tài sản để trả nợ vay của Công ty Thanh Bình với ngân hàng là không đúng quy định của pháp luật vì đã bỏ qua quyền lợi chính đáng của những người có liên quan. Chính từ thỏa thuận này nên ngân hàng mới có điều kiện bán đấu giá tài sản, bán nợ xấu thành công với giá rẻ mạt cho Công ty Đại Dương, Công ty Đại Dũng của ông Lê Trọng Đại; tước bỏ mọi quyền lợi của người chuyển nhượng đất từ Công ty Thanh Bình. 

Theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về “thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, nguyên tắc xử lý nợ xấu phải “đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” và “giá bán phải phù hợp với thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ”.

Thế nhưng trong vụ việc này, phía ngân hàng đã bán đấu giá tài sản với mức giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường. Do vậy, để làm rõ mọi dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự quanh vụ việc này, cũng như giảm nhiệt cho “điểm nóng” ANTT ở dự án Thanh Bình, hàng chục người dân là nạn nhân đề nghị cơ quan Công an cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ cái gốc của vấn đề; có thế mới có thể đảm bảo được kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền lợi chính đáng của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mã Hải
.
.
.