Xử lý nhà đất 'siêu mỏng, siêu méo' tại Hà Nội:

Cán bộ chần chừ, dân sốt ruột!

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:55
Dù Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng xử lý những trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” không nên “quá cầu toàn” thì dư luận vẫn cảm thấy sốt ruột trước thực trạng: Nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” cũ chưa xử lý xong thì tại các tuyến đường mới mở tiếp tục phát sinh các trường hợp khác (?!).
>> Hà Nội: Đã xử lý 389 nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Báo cáo của đoàn giám sát Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, việc xử lý 192 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trước năm 2005 còn chậm. Đến nay vẫn còn tồn đọng chưa xử lý 174 trường hợp trên địa bàn 7 quận (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ). 

Bên cạnh đó, việc hợp thửa, hợp khối được TP xác định là giải pháp ưu tiên, có quận làm tốt, hiệu quả, song có quận triển khai kết quả đạt thấp. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất sau thu hồi vào mục đích công cộng như làm bảng tin, cây ATM… còn lúng túng, chưa đạt mục tiêu cải tạo cảnh quan kiến trúc đô thị. 

Cùng với việc giải quyết các tồn tại cũ thì qua giám sát cũng cho thấy, tại các tuyến đường mới mở như Kim Mã - Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2, 5, đường Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên đã phát sinh thêm 442 trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo”.

Trước thực trạng trên, để giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn tại về công trình “siêu mỏng, siêu méo” và các trường hợp mới phát sinh, đoàn giám sát đề nghị UBND TP nghiên cứu chính sách khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có kế hoạch cân đối bố trí nguồn vốn, quỹ nhà tái định cư, phương án xử lý dứt điểm 174 trường hợp còn tồn đọng. Đối với các tuyến đã quy hoạch mở rộng, cần rà soát, phân loại để có phương án xử lý trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” cùng với việc thu hồi đất phục vụ dự án; không để phát sinh trường hợp mới…

Còn nhiều chuyện phải bàn về quy hoạch, kiến trúc tại những tuyến đường mới mở ở Thủ đô. 

Đoàn cũng đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất, hợp thửa, hợp khối; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng sau khi đã hợp thửa, hợp khối; trên cơ sở có tính đến yếu tố đặc thù của Thủ đô, thuận cho cả người dân và chính quyền.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, ngày 29/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, UBND TP đã thành lập tổ công tác đang tiến hành rà soát, kiểm tra các tuyến đường mới mở để không phát sinh trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" mới. 

Thừa nhận thực trạng nhà đất “siêu mỏng, siêu méo”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lý giải, một số thủ đô ở các nước phát triển cũng gặp phải, không nên quá cầu toàn. Ông Thảo cho biết, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng từng bước giải quyết, trong đó chú trọng đến 3 giải pháp căn bản: vận động, thuyết phục hợp thửa, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và quy luật của thị trường; những trường hợp không thể hợp thửa, diện tích quá nhỏ thì tính toán phương án thu hồi phù hợp. 

Theo người đứng đầu chính quyền Thủ đô, TP sẽ đề nghị với Bộ Xây dựng trình Chính phủ cho phép được xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng về quy hoạch, kiến trúc, phù hợp với điều kiện đặc thù 4 quận trung tâm nội thành, nhằm sớm khắc phục bất cập trong quản lý quy hoạch kiến trúc, trật tự xây dựng đô thị. Đồng thời, Hà Nội sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức lực lượng thanh tra xây dựng theo các cấp như trước đây để quản lý trật tự xây dựng hiệu quả.

Diệp Linh
.
.
.