Các đại gia vào cuộc xây nhà giá rẻ, hướng đến người nghèo

Chủ Nhật, 18/12/2016, 09:59
Ngay sau khi VinGroup công bố sẽ tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ với giá khoảng 700 triệu đồng/căn hộ, rất nhiều người đã khấp khởi mừng và hy vọng giấc mơ về một nơi "an cư" giữa Hà Nội đắt đỏ sắp thành hiện thực. Theo dự báo thì năm 2017, ngoài VinGroup, nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ chuyển hướng đầu tư vào phân khúc này...   


Cách đây không lâu, Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra con số thống kê nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn. Trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định. 

Nhu cầu luôn lớn hơn rất nhiều nguồn cung cấp, vì thế mà ngay cả thời điểm năm 2011- 2012, khi thị trường bất động sản ở trong cơn bĩ cực nhất với hàng loạt dự án chung cư cao cấp, biệt thự, nhà liền kề phải "đắp chiếu" vì không có khách hàng, chủ đầu tư không huy động được vốn thì tập đoàn Mường Thanh với các dự án ở Linh Đàm, Đại Thanh với  những căn hộ 50-70m2, với giá bán khoảng trên dưới 12 triệu đồng/m2 vẫn liên tục ra hàng và người mua thậm chí phải chấp nhận trả tiền chênh cả trăm triệu đồng cho sàn bất động sản mới mua được.

Nhà giá rẻ đang trở thành cuộc đua của nhiều chủ đầu tư.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, tại Hà Nội, vài năm gần đây đã có các dự án nhà ở xã hội được triển khai ở Hoài Đức, Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Trì. 

Tuy nhiên, do điều kiện mua nhà ở xã hội khá khắt khe nên không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để mua. Không những thế, sau khi một số dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng đã phát sinh những bất cập về chất lượng và hạ tầng xã hội và cả những ràng buộc pháp lý nên nhiều người dù có nhu cầu nhưng cũng không mặn mà với loại nhà này. 

Thực tế thị trường thời gian qua nguồn cung nhà giá rẻ rất ít. Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, chỉ riêng thị trường Hà Nội, hiện có hơn 59.000 căn hộ chưa hoàn thiện và dự kiến sẽ có thêm hơn 11.000 căn hộ thuộc nhiều dự án mới tung ra thị trường cuối năm 2016 nhưng 70% trong số đó thuộc phân khúc cao - trung cấp. Trong khi đó, theo nhận định của Bộ Xây dựng, từ năm 2017, khoảng 70% nhu cầu thị trường lại tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống.

Trong bối cảnh đó, việc một đại gia bất động sản như Vingroup quyết định đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của người người có nhu cầu mua nhà và cả các doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về những dự án nhà giá rẻ mà VinCity sẽ triển khai trong năm 2017, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VinGroup cho biết, tại Hà Nội, VinGroup đang làm thủ tục các dự án ở huyện Gia Lâm (gần 300 ha) và huyện Đan Phượng (130 ha); tại TP.HCM thì các dự án ở quận 7 (20 ha) và quận 9 (gần 300 ha); 1 dự án 500 ha ở Hưng Yên, gần khu đô thị Ecopark. Ngoài ra sẽ có các dự án tại Hải Phòng, Nha Trang, Thanh Hóa với quy mô từ 50 đến 150 ha. 

Các dự án này sẽ là chung cư cao tầng từ 22-25 tầng; diện tích từ 35m2 đến 90m2; giá bán trung bình từ 13 - 19 triệu/m2; mật độ xây dựng là 20 - 25%. Sẽ có 3 chế độ bàn giao cho khách hàng tùy theo mức giá và nhu cầu của khách hàng. Đó là bán hoàn thiện (so với hoàn thiện chỉ thiếu tủ bếp, tủ quần áo, điều hòa không khí); hoàn thiện (đầy đủ các đồ liền tường, điều hòa không khí) và hoàn thiện có đầy đủ đồ rời (bàn, ghế, giường…).

Về các dịch vụ mà VinCity cung cấp cho cư dân sẽ có đủ các hạ tầng dịch vụ như của Vinhomes, y tế sẽ theo tiêu chuẩn của Vinmec. Riêng các trường học thì có thể sẽ là Vinschool, hoặc là trường công, hoặc là trường liên kết với Vinschool. 

Đề cập tới đối tượng khách hàng mà VinCity hướng tới, ông Hiệp khẳng định: "Một gia đình có thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, đã tích lũy được 20 - 30% giá trị ngôi nhà thì hoàn toàn có thể mua nhà ngay và trả dần 70 - 80% tiền còn lại cho ngân hàng".

Ngay sau khi VinGroup công bố tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ, nhiều đại gia khác như Geleximco, Mường Thanh cũng cho biết sẽ tham gia vào thị trường, để thu hút khách hàng, các chủ đầu tư này đã chi mạnh cho các dịch vụ hạ tầng. 

Tập đoàn Mường Thanh thậm chí còn lập tức hạ giá bán căn hộ tại dự án HH01, HH02 Thanh Hà Cienco 5 - Mường Thanh từ 11 triệu đồng/m2 xuống 9,5 triệu đồng/m2 nên giá các căn hộ ở đây chỉ từ 600 triệu - 750 triệu. Theo đại diện tập đoàn Mường Thanh, doanh nghiệp này sẽ đưa ra thị trường 1.000 căn hộ có diện tích 50- 80m2 với giá 9,5 triệu/m2 (đã bao gồm VAT và nội thất), tại dự án Thanh Hà, thuộc Hà Đông, Thanh Oai (Hà Nội). 

Dự án có quy mô 400ha, trong đó 70% dành cho các tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội, cây xanh, hồ nước, trường học. Theo kế hoạch, tháng 3-2017 sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên.

Geleximco cũng mới mở bán dự án Gelexia Garden tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giá từ 18 triệu đồng/ m2, chủ đầu tư cho hay, sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng như sân chơi, hồ bơi, công viên và trung tâm mua sắm. Hoặc chủ đầu tư dự án Ecohome Phúc Lợi (Long Biên) mở bán các căn hộ có giá từ 16 triệu đồng/m2 cũng đưa vào hạng mục bể bơi ngoài trời, phòng tập thể thao, khu vui chơi trẻ em.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia gia trong lĩnh vực bất động sản, nhà giá rẻ thực sự là "mỏ vàng" chưa được khai phá. Tuy nhiên, để khai thác được "mỏ vàng" này không dễ, bởi lợi nhuận không cao nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng quản trị tốt, sử dụng công nghệ mới để giảm chi phí và đặc biệt là phải có quỹ đất lớn, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng tốt, phù hợp nhu cầu của khách hàng thu nhập từ thấp tới trung bình. 

Dù biết rằng khi mua nhà giá rẻ sẽ phải chấp nhận ở xa trung tâm, nhưng với việc chủ đầu tư chấp nhận chi phí lớn để đầu tư hạ tầng và dịch vụ, người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn được ngôi nhà giá rẻ nhưng không phải là "của ôi".

Tân Lương
.
.
.