Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10 - HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Bức xúc tình trạng phá biệt thự cổ xây nhà cao tầng

Thứ Năm, 10/07/2014, 12:31
Sau khi nghe ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đọc báo cáo của UBND TP về quản lý nhà biệt thự cổ, rất nhiều đại biểu đã bày tỏ sự không đồng tình, gay gắt yêu cầu lãnh đạo UBND phải báo cáo đúng sự thật. “Dân xây trái phép 1m2, chính quyền biết ngay nhưng phá một biệt thự thì không ai biết. Chúng ta có quy định xây dựng không quá 3 tầng, song có những biệt thự cổ bị phá đi để xây 7-8 tầng, phá vỡ hết kiến trúc cảnh quan. Đề nghị thành phố đánh giá lại chu đáo, đừng làm cẩu thả”, đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Xuân Diên.

Vị đại biểu này yêu cầu lãnh đạo UBND TP phải báo cáo đúng sự thật, chỉ ra thực trạng của biệt thự cổ, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị báo cáo không đúng sự thật. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND khẳng định: “Một biệt thự không như mớ rau mà khi phá chúng ta không biết, ở đây có sự dối trá của cơ quan quản lý".

Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cũng cho rằng, báo cáo thực trạng biệt thự chưa chính xác. Ông Dực lấy ví dụ, 15 biệt thự mà UBND thành phố đề cập là bị biến dạng hoàn toàn thì vẫn còn biệt thự có giá trị như nhà 102 và 38 Hoàng Hoa Thám. “Tôi có văn bản đánh giá các biệt thự số 36 phố Tây Sơn, 190 Lò Đúc, 48 Hoàng Hoa Thám... là vẫn nguyên trạng. Báo cáo khảo sát của UBND TP như vậy, làm sao đại biểu HĐND thành phố có niềm tin”, ông Dực khẳng định và bày tỏ quan điểm lo ngại nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo báo cáo của Hà Nội, thành phố có 970 biệt thự, trong đó 752 nhà thuộc nhóm đạt tiêu chí bảo tồn cần được đưa vào danh mục quản lý, 22 nhà không phải biệt thự, 15 nhà xuống cấp, 8 nhà bị phá dỡ trái quy định... UBND thành phố cũng đưa 207 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước vào diện không được bán. Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây dựng thành các tòa nhà song vẫn được đưa vào báo cáo, như một biệt thự ở phố Hai Bà Trưng giờ là tòa nhà 9 tầng, hay biệt thự ở phố Lý Thường Kiệt đã được bán và xây dựng thành khách sạn 7 tầng. “Hồ sơ do UBND TP xây dựng là không đầy đủ, việc khảo sát dựa trên hồ sơ là không đúng nên tôi không đồng tình với các đề xuất của UBND, đề nghị quy trách nhiệm các cơ quan đã buông lỏng quản lý”, ông Nam gay gắt.

Ông Nam cũng cho rằng, 970 biệt thự ở Hà Nội đã được Chính phủ đưa vào nghị quyết, giao cho thành phố phân loại bảo tồn nên việc bán cũng phải theo tiêu chí. Ông Nam đề nghị: “Phải thanh tra toàn diện việc quản lý biệt thự và giám sát theo nghị quyết. Nếu không làm nghiêm thì sẽ không hiệu quả, nếu phân trách nhiệm chung chung thì chúng ta sẽ không quản lý được và không còn biệt thự duy trì".

Cử tri Hà Nội mong muốn chính quyền thành phố quản lý chặt chẽ để giữ lại những biệt thự cổ.

Sau hàng loạt ý kiến gay gắt phản đối, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thừa nhận, quản lý nhà nước chưa tốt nên có tình trạng phá biệt thự. Với đề xuất thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo thành phố cho biết đã có chỉ đạo rà soát và sẽ có địa chỉ cụ thể. Tiếp lời ông Khanh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã xác nhận ý kiến của các đại biểu hoàn toàn chính xác và nhận lỗi lãnh đạo TP đã buông lỏng quản lý nên có thiếu sót. Tuy nhiên, Nghị quyết về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự cũng vẫn được các đại biểu HĐND TP thông qua với tỉ lệ 53/84 đại biểu đồng tình.

Theo đại biểu Lê Văn Thư, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm, vấn đề nước sạch cần được TP quan tâm hơn nữa vì đây không những là nhiệm vụ chính trị mà còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, an sinh xã hội. “Có thể mất điện nhưng không thể nào mất nước được. Tuy vậy, cần kiểm tra, giám sát, xử lý và xem xét lại thái độ, sự phục vụ của các đơn vị cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP”, ông Thư nhấn mạnh.

Còn quan điểm của đại biểu Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lại cho rằng: “Đường ống dẫn nước sông Đà đã vỡ lần thứ 7, và rất có thể sẵn sàng có lần thứ 8, 9. Một công trình thiết yếu như vậy mà từ khâu thiết kế, giám sát, thi công như thế nào lại để vỡ liên tục như vậy. Tôi cho đây là việc nghiêm trọng. Mỗi lần vỡ là hàng vạn dân bị ảnh hưởng”.

Với tư cách là Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng đang tồn tại một thực tế rất vô lý khi đường nước sông Đà chạy qua quận Nam Từ Liêm, nhưng địa bàn quận này có 10 phường thì 4 phường thiếu nước sạch trầm trọng như Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, người dân phải dùng nước trạm từ ngày xưa, hoặc giếng khoan. Thậm chí, tại khu tái định cư ở Phương Canh, quận phải mua nước và bán cho bà con. “Đây là vấn đề an sinh xã hội, có thể mất điện nhưng không thể nào mất nước được”, ông Hải bức xúc.

Hà Nội đề xuất đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa

Cũng trong chiều 9/7, 100% đại biểu có mặt đã đồng ý thông qua Tờ trình Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài 26 đường phố. Theo Nghị quyết, 26 tuyến đường, phố trên địa bàn 9 quận, huyện sẽ được đặt tên và điều chỉnh độ dài. Trong đó có 19 tuyến mang tên địa danh, một phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, 4 đường phố mang tên danh nhân và 2 tuyến điều chỉnh kéo dài. Sau nhiều ý kiến thảo luận, các đại biểu HĐND đã thống nhất sẽ gắn biển đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô 10-10.

Tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự kiến sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô 10-10. Đường chạy qua 2 huyện Đông Anh, Sóc Sơn (đoạn từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân) dài 12km, rộng 70 - 100m. Ngoài ra, đường Võ Chí Công, thuộc quận Tây Hồ là đoạn từ cầu Nhật Tân đi qua Tây Hồ Tây (Bưởi) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, sông Tô Lịch, dài 4,5km. Tuyến đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn: đoạn từ Sân bay Nội Bài đến cầu Thăng Long có chiều dài 12km.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Mai, cử tri quận Hà Đông đã gửi gắm đề xuất đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa ở Thủ đô. Ý kiến này đã được UBND TP ghi nhận, tiếp thu để nghiên cứu trong các lần đặt tên sau.

Ngọc Yến
.
.
.