Bất động sản nhiều khu vực Thủ đô "nóng" bất thường

Thứ Sáu, 04/03/2011, 10:59
Hiện BĐS tại huyện Mê Linh là nóng nhất do những thông tin về tiến độ xây dựng cầu Nhật Tân, cầu Thượng Cát... Các dự án BĐS nằm trên trục đường Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương kéo dài, hay dọc trục QL32 đã sốt nhiều đợt, nay giá tiếp tục được đẩy lên.

Mới ra Giêng, "tháng ăn chơi" mà bất động sản nhiều khu vực ở Hà Nội đã nóng sốt, giá cả liên tục bị đẩy lên một cách bất thường. Nó càng bất thường khi mà chính sách thắt chặt tiền tệ đã được báo trước từ ngay trước Tết Nguyên đán và nay đã trở thành hiện thực, cùng với đó tín dụng dành cho bất động sản hầu như không còn cửa.

"Mua nhanh kẻo hết"

Nghe phán rằng năm nay tôi được vía mua nhà đất nên mấy bà dì, ông chú năm lần bảy lượt thúc giục đi mua nhà đất hộ vì sợ để tiền mất giá. Bị giục giã suốt cả tuần, tôi đành tìm tới Sàn bất động sản (BĐS) Infor trên phố Nguyễn Thị Định. Không khí tấp nập của gian phòng chật hẹp với những người và người, cùng la liệt sơ đồ, bản vẽ các khu đô thị khiến tâm tình đoàn "săn" bất động sản của chúng tôi cũng khá chộn rộn.

"Hàng của chúng em đa dạng lắm anh ạ. Khu nào cũng có, giá thì rất hợp lý, đảm bảo luôn. Chúng em chủ yếu cũng chỉ nhận những lô, thửa đẹp mà chủ đất phát giá hợp lý thôi…"  - cô nhân viên tư vấn của sàn BĐS tên Hường cất lời giới thiệu.

Khi ông chú tôi vừa bày tỏ ý định nhắm vào một dự án đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh thì được cho biết là đang có 1 lô liền kề vị trí đẹp, giá cực hợp lý. "Tuần trước họ gửi bán với giá 20 triệu đồng/m2, nhưng do giá "đô" lên, vàng cũng lên, nên sáng nay họ lại đòi lên 21 triệu. Bây giờ giá lên từng ngày anh ạ. Anh lấy thì đặt cọc luôn, chứ em nói thật vừa nãy có người xem cũng thích lắm…". Ông chú tôi đang lưỡng lự, thì chuông điện thoại di động của cô tư vấn BĐS reo vang.

"A lô. Thế ạ. Nhưng chị ơi, cái lô liền kề đấy chị để cho khách của em đi, họ mang sẵn tiền để đặt cọc rồi, chị đừng nhận của ai nữa nhé…". - Hường trả lời điện thoại khá vội. Lúc đó, ngay bên cạnh cũng đã có 1 vị khách móc tiền ra đặt cọc 1 lô đất khác. Thấy thế, ông chú tôi mặt đỏ phừng, dường như khá kích động ghé tai tôi: "Hay là lấy nhỉ".

Thấy thông tin từ cô nhân viên sàn BĐS quá dồn dập mà không bình thường, vả lại mức giá này so với tháng trước thì cao hơn đến 20 - 25% nên tôi quyết liệt can ngăn. Thế là chuyến đi "săn" BĐS không thành trong sự thất vọng của chú thím tôi. Tuy nhiên, điều khiến tôi thở phào là 3 ngày sau khi ông chú tôi tiếp tục đi "săn" BĐS tại sàn khác thì vẫn được mời mua chính lô đất này với chiêu thức thuyết phục cũng kích động không kém và còn mang sự biến động của giá vàng, giá "đô" ra "dọa".

Nghe chuyện, một ông bạn "lão làng" trong lĩnh vực này cho biết, những kỹ năng thúc khách giao dịch của các "cò" hay nhân viên tư vấn sàn BĐS thì rất nhiều, không thận trọng mà mua vội thì rất dễ bị hớ. Khi đi mua BĐS phải thật bình tĩnh và tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan.

Các dự án BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài đã “sốt” nhiều đợt, nay lại lên một đỉnh mới. Ảnh: K.Hà.

Cũng "té nước theo mưa"

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ một số sàn BĐS lớn thì hiện BĐS trên địa bàn huyện Mê Linh là nóng nhất do những thông tin mới đây về tiến độ xây dựng cầu Nhật Tân, cầu Thượng Cát và những trục đường lớn sắp khởi công. Tuy nhiên, giá được đẩy lên tới 20 - 30% trong vòng 1-2 tháng là rất bất thường, dù hiện nay người dân đang khá lo lắng về tình hình giá cả.

Ngoài huyện Mê Linh, các dự án BĐS nằm trên trục đường Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương kéo dài, hay dọc trục QL32 trên địa bàn huyện Hoài Đức, Đan Phượng đã sốt nhiều đợt, nay giá tiếp tục được đẩy lên một đỉnh mới.

Khảo sát một số sàn BĐS cho thấy mức giá được coi là giá thị trường hiện nay ở các khu vực này cũng tăng lên khoảng trên dưới 20% so với 1 tháng trước Tết Nguyên đán. Giá rao bán đất liền kề thuộc các dự án Kim Chung - Di Trạch đã ở từ 40 - 50 triệu đồng/m2, so với mức 30 - 40 triệu đồng/m2 ở thời điểm cuối năm 2010. Một lô đất 90m2 dự án Geleximco, khu C đường 11m cũng được rao bán với giá 48 triệu đồng/m2, cao hơn 7 - 8 triệu đồng so với 1 tháng trước Tết… 

Về nguyên lý, khi lãi suất ngân hàng tăng cao và Chính phủ lại vừa quyết định siết chặt tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho BĐS, ngân hàng thậm chí phải hút tiền về để đảm bảo quy định về khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, thì giá BĐS nói chung sẽ là ảm đạm và khó có thể tăng được, nên ở dự án nào đó, BĐS tăng mạnh là điều không bình thường.

Lãnh đạo một tập đoàn nắm trong tay nhiều dự án BĐS lớn cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay rất khó để bất động sản sẽ tăng được và tăng mạnh. "Không ai dám đi vay đầu tư bất động sản lúc này. Nếu không thật sự tỉnh táo, các nhà đầu tư sẽ rất mệt mỏi, dễ bị sa lầy…" - ông này nói.

Thực tế cho thấy, tình hình giá cả biến động thời gian qua là nguyên nhân chính khiến những người có tâm lý bất an đổ xô vào những kênh đầu tư cho rằng giữ được tiền và sinh lợi. Tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu dễ bị lợi dụng và gây nhiễu loạn thị trường hàng hóa.

1 tuần trước, yếu tố tâm lý đã đẩy giá vàng lên đỉnh mới: 38,5 triệu đồng/lượng; và giá 1 USD trên chợ đen cũng bị đẩy lên 22.500 đồng. Tuy nhiên, đến nay thì thực tế cho thấy nhiều người đã phải ngậm đắng, nuốt cay mua hớ. Sáng 1/3, tỉ giá USD trên thị trường tự do ở mức 21.750 đồng; giá vàng cũng đang đứng ở mức 37,6 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh hiện nay, để không tự làm "thủng túi" mình thì các nhà đầu tư cần phải thật tỉnh táo tránh để yếu tố cảm tính chi phối, đánh lừa

Bá Tuấn
.
.
.