Chuyện người quản lý

Bất động sản hồi phục nhưng chưa hết khó khăn

Thứ Sáu, 28/11/2014, 12:42
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, thị trường căn hộ Hà Nội trong thời điểm hiện nay nguồn cung hoàn thiện, sắp hoàn thiện còn tồn ở các dự án đang cạn dần. Thay vào đó nguồn cung từ các dự án tái khởi động, mới bắt đầu triển khai rất dồi dào. Đây là tín hiệu tích cực để hy vọng bước sang năm 2015, thị trường BĐS sẽ có những khởi sắc rõ nét.

Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong thời gian tới sẽ có khoảng 7.000 căn hộ mới được cung cấp ra thị trường, đặc biệt là các căn hộ giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Giao dịch BĐS hiện khá nhộn nhịp. Hầu hết các sàn giao dịch BĐS có uy tín trên địa bàn thành phố đều đang tập trung tối đa năng lực để phục vụ cho việc mở bán và bán hàng. Sự hoạt động nhộn nhịp của các sàn không chỉ báo hiệu sự phát triển của thị trường ở bề nổi mà còn chứng tỏ cả về chất. Điều này thể hiện sự trưởng thành của các sàn giao dịch BĐS cũng như nhận thức về tính chuyên nghiệp, tính chuyên môn hóa trong hoạt động phân phối của các doanh nghiệp BĐS.

Dự báo về cơ bản thị trường BĐS, doanh nghiệp BĐS vẫn chưa hết khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015 mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Phân khúc căn hộ có quy mô nhỏ và vừa, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ vẫn là chủ đạo của thị trường và phát triển tương đối ổn định. Ngoài ra, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín trong phân khúc cao cấp được thị trường đón nhận tốt hơn, mặc dù không bằng thời kỳ trước. Tình hình tài chính các doanh nghiệp BĐS chưa cải thiện được nhiều, lãi suất có giảm song thủ tục còn khá nặng nề. Phần lớn các chủ đầu tư, doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất ở mức 13%/năm và dường như không có gói hỗ trợ nào khác ngoài gói 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đến thời điểm này, gói 30.000 tỷ đồng giải ngân mới chỉ đạt khoảng 10%.

Thị trường đã có những dấu hiệu tích cực nhưng thực tế, các doanh nghiệp BĐS vẫn đang ngập trong hàng núi khó khăn. Ý kiến từ phía các doanh nghiệp cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có các quy định rõ ràng, đặc biệt quy định về nội dung hồ sơ, thời hạn giải quyết, trách nhiệm giải quyết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, tránh gây thêm các phiền hà. Bên cạnh đó, cũng nên xem xét đến việc tăng thời hạn cho khách hàng vay, có thể lên đến 20 năm với 3 năm đầu chưa phải trả lãi vay và nợ gốc. Ngân hàng nên xem xét cho doanh nghiệp đang đầu tư dang dở các dự án nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, quy mô dưới 70m2 được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện, góp phần tăng lượng hàng cho thị trường và giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho

Phan Hoạt
.
.
.