Bảo hiểm mua căn hộ: Liệu có hết cảnh tiền mất, nợ mang?

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:49
Từ ngày 1/7 tới đây, tất cả các dự án căn hộ bán ra thị trường đều phải mua bảo lãnh của ngân hàng. Đây là một quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và được người mua nhà trông chờ sẽ giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Theo quy định này, ngân hàng sẽ đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người mua nhà nếu dự án không được hoàn thành theo cam kết. Quy định này chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng dự án treo, dự án không có ngày nhận nhà.

Vợ chồng anh Trần Công Ảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng hàng trăm người mua nhà tại dự án Sky Garden, do Tập đoàn Vân Thái làm chủ đầu tư (địa chỉ ngõ 12, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) suốt một thời gian dài vừa qua như ngồi trên đống lửa bởi dự án này qua một quãng thời gian dài đắp chiếu vẫn chưa hẹn ngày về đích. Anh Trần Công Ảnh cho biết, vợ chồng anh mua một căn hộ ở dự án này vào đầu năm 2012. Căn hộ 109m², với mức giá 18,3 triệu đồng/m². Tiền mua nhà chủ yếu là tiền vợ chồng anh đang vay lãi ngân hàng.

Nhiều khách hàng đang phải chịu cảnh tiền mất nợ mang vì những dự án không hẹn ngày bàn giao.

“Dự án có quy mô 28 tầng nhưng mới chỉ xây đến tầng 8 chủ đầu tư dừng thi công. 2 năm nay đắp chiếu, sắt thép phơi nắng mưa hoen gỉ. Mấy năm nay vợ chồng tôi vẫn phải còng lưng trả lãi ngân hàng mà nhà thì chẳng biết bao giờ được nhận”, anh Ảnh than thở.

Anh Trần Công Ảnh cho biết thêm, dự án giờ gần như bỏ hoang, Ban quản lý dự án thì cũng đã giải tán hết. Khách hàng đã nhiều lần gặp gỡ chủ đầu tư để thắc mắc nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, đại ý rằng phải chờ đợi. “Của đau con xót. Chúng tôi thậm chí đã từng căng băng rôn, khẩu hiệu để phản đối chủ đầu tư nhưng kết quả vẫn chẳng đi đến đâu”, anh Ảnh chua chát nói.

May mắn hơn trường hợp anh Trần Công Ảnh, chị Nguyễn Thị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) mua một căn hộ tại một dự án nằm trên đại lộ Thăng Long. Dự án ban đầu được triển khai suôn sẻ đến gần 80% khối lượng. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải thiếu vốn nên cách đây 2 năm chủ đầu tư không còn tiền để hoàn thành dự án. Những khách hàng như chị Hồng 2 năm qua mất rất nhiều thời gian và công sức để đi khiếu kiện, đấu tranh nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu bởi chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để hoàn thành dự án.

Sau nhiều lần gặp gỡ, yêu cầu chủ đầu tư nói rõ về tình hình dự án, chủ đầu tư đã phải thú nhận những khó khăn về dự án. Hiện toàn bộ khách hàng của dự án này đang đóng tiền để hoàn thành nốt các hạng mục dang dở và khách hàng là người quản lý dòng tiền.

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng tràn lan các dự án dở dang phải dừng thi công thời gian qua diễn ra khá phổ biến, làm mất niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản (BĐS) và gây lãng phí, bất ổn trong xã hội. Để đảm bảo sự an toàn cho số tiền đóng theo tiến độ của người mua nhà, việc bắt buộc các dự án BĐS phải mua bảo hiểm nhà ở cho người mua nhà cũng là điều cần thiết. Tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ để trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất khả năng thanh khoản thì khách hàng sẽ không mất tiền do đã mua bảo hiểm.

Theo Bộ Xây dựng, sẽ có một cam kết giữa ngân hàng, chủ đầu tư và người mua nhà để khoản tiền này sẽ không bị khấu trừ, thu hồi ngay vào các khoản nợ mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng trước đó.

Ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng) cho biết, nếu chủ đầu tư không hoàn thành bàn giao được nhà theo đúng tiến bộ cam kết, hoặc có rủi ro không hoàn thành được dự án, phía ngân hàng bảo lãnh sẽ hoàn trả tiền góp của người dân.

Quy định này chuẩn bị có hiệu lực, tuy vậy đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Xây dựng nên nhiều ý kiến vẫn đang rất băn khoăn. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư một dự án đang chuẩn bị bán nhà ra thị trường cho biết, đơn vị này cũng đã liên hệ với ngân hàng để hỏi về mức phí phải đóng và ngân hàng cũng chỉ trả lời khoản phí đó dao động từ khoảng 1- 2% tổng chi phí đầu tư của cả dự án.

“Với mức giá 30 triệu đồng/m² cộng thêm 2% tiền phí này giá sẽ lên thêm khoảng 600.000/m², thành 30,6 triệu đồng/m². Rõ ràng đây là một khoản chi phí không hề nhỏ”, vị đại diện chủ đầu tư này chia sẻ.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có những quy định cụ thể, chi phí bảo lãnh là bao nhiêu phần trăm trên tổng giá trị bảo lãnh. Luật chuẩn bị có hiệu lực nhưng đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này. Không chỉ với chủ đầu tư mà còn với cả người mua nhà. Nếu chi phí ấy quá cao thì chi phí đầu vào của chủ đầu tư tăng lên. Từ đó sẽ đẩy giá thành nhà lên cao và khách hàng mua nhà phải chịu khoản phí này bởi đương nhiên chủ đầu tư sẽ phân bổ chi phí ấy vào giá bán.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty Dầu khí toàn cầu cho rằng phải có tiêu chí để phân loại các dự án bắt buộc phải mua bảo lãnh, không nên đánh đồng các dự án lớn có uy tín với các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường.

“Có những khách hàng họ tuyệt đối tin tưởng ở chủ đầu tư. Họ không cần phải mất thêm chi phí bảo lãnh đó. Ở trường hợp này tôi cho rằng nên cho họ có một sự lựa chọn, họ có thể chọn yêu cầu bảo lãnh, hoặc không cần bảo lãnh”, ông Hiệp nói.

Phan Hoạt
.
.
.